Mỹ và Iran được cho là sẽ đặt ra các quan điểm ganh đua nhau về an ninh ở Trung Đông, với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có bài phát biểu vào ngày 24/9, còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu vào hôm sau đó.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran. |
Căng thẳng hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Trung Đông, nhất là sau vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu lửa chủ chốt của Ảrập Xêút, kéo theo cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Washington và Tehran. Tuy vậy, lãnh đạo hai nước vẫn chưa từ bỏ hy vọng cho ngoại giao, khi ông Trump khẳng định mình là một người "rất linh hoạt", còn ông Rouhani đang chìa "bàn tay của tình bạn và tình anh em" về phía các láng giềng trong khu vực.
Hôm 22/9, Tổng thống Trump một lần nữa để ngỏ khả năng về một cuộc gặp không dự định với người đồng cấp Iran bên lề hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc(LHQ).
"Chẳng có gì được đưa khỏi bàn làm việc, hoàn toàn, nhưng tôi không có ý định gặp gỡ phía Iran, và như vậy không có nghĩa điều đó sẽ không xảy ra", ông Trump lý giải. "Tôi là một người rất linh hoạt, nhưng chúng tôi không có ý định. Nó không được sắp đặt".
Khi được hỏi liệu có cuộc thảo luận nào giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo hoặc một đại diện Mỹ với đoàn đại biểu Iran tại Đại hội đồng LHQ hay không, một quan chức cấp cao Mỹ trả lời "không có kế hoạch nào cả".
Tuy nhiên, nhà báo Christiane Amanpour của CNN viết trên Twitter rằng, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã trả lời cô trong một cuộc phỏng vấn là Tổng thống Rouhani sẵn sàng gặp ông Trump ở New York trong tuần này, "nếu Tổng thống Trump sẵn sàng làm những điều cần thiết" bằng cách dỡ bỏ cấm vận đổi lấy "giám sát lâu dài các cơ sở hạt nhân của Iran".
"Nhành ô liu luôn ở trên bàn, nhưng chúng tôi vẫn chìa nó ra một lần nữa", Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh thêm, theo tweet của nhà báo Amanpour.
Trong một bài phát biểu được phát sóng truyền hình sớm 22/9 kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc chiến Iran – Iraq năm 1980, Tổng thống Rouhani khẳng định Tehran đang chìa "bàn tay của tình bạn và tình anh em" về phía các nước láng giềng để bảo vệ Vùng Vịnh và Eo biển Hormuz – vùng biển sống còn đối với ngành công nghiệp dầu lửa toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các thế lực nước ngoài hãy "tránh xa" khu vực, vì họ "có thể gây rắc rối và bất an cho người dân của chúng tôi và khu vực của chúng tôi".
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn của Đài ABC cùng ngày 22/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Washington muốn cho ngoại giao "mọi cơ hội để thành công". Ông cũng gạt sang một bên những lời đe dọa về sự trả đũa của Mỹ nhằm vào Iran, nhấn mạnh chính quyền Trump "đang nỗ lực hết sức để xem điều này có một kết quả ngoại giao hay không".
"Nhưng đừng phạm sai lầm về nó, nếu chúng tôi không thành công và Iran tiếp tục tấn công theo cách này, tôi tin rằng Tổng thống Trump sẽ đưa ra những quyết định cần thiết để đạt được các mục tiêu của chúng tôi".
Mỹ cáo buộc Tehran tiến hành các vụ không kích phá hủy hai cơ sở dầu lửa Abqaiq và Khurais của Ảrập Xêút hôm 14/9 khiến sản lượng dầu lửa của vương quốc này giảm một nửa. Ông Pompeo mô tả đây là "một trong những vụ tấn công lớn nhất nhằm vào nguồn cung năng lượng toàn cầu trong lịch sử".
Tuy nhiên, dù ban đầu cảnh báo Mỹ đã "khóa mục tiêu và lên đạn", ông Trump nhanh chóng dịu giọng khi gạt bỏ cảnh báo từ một số nhân vật diều hâu Đảng Cộng hòa rằng nếu Mỹ không phản ứng bằng vũ lực thì sẽ bị Iran coi là yếu ớt.
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump đã siết thêm cấm vận đối với Iran và triển khai quân tới Vùng Vịnh để "tăng cường phòng thủ" cho Ảrập Xêút và UAE (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất).
Theo giới phân tích, nguy cơ chiến tranh bùng nổ đang khiến tất cả các bên thận trọng
Thanh Hảo