Trong khi Hà Lan dự kiến bổ sung thêm một số thiết bị nhất định của ASML vào danh sách cấm xuất, thì Mỹ được cho sẽ áp đặt lệnh hạn chế với những nhà xưởng cụ thể của Bắc Kinh.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip của các công ty như Lam Research và Applied Materials sang Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia, đồng thời phát động chiến dịch vận động các “mắt xích” chính trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu làm điều tương tự.
Nhật Bản, quê hương của các nhà sản xuất thiết bị chip Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd, cũng thông qua các quy tắc hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn, có hiệu lực vào ngày 23/7 tới đây.
Chính phủ Hà Lan dự kiến sẽ công bố các biện pháp quản lý xuất khẩu mới trong ngày 30/6 với máy tia cực tím sâu (DUV) - dòng thiết bị tốt thứ hai của ASML, đứng sau máy in bản thạch siêu cực tím (EUV) vốn đang nằm trong danh sách cấm xuất.
ASML cho biết vào tháng 3 rằng họ dự đoán quy định của chính phủ có thể bao gồm dòng sản phẩm TWINSCAN NXT:2000i và các mẫu phức tạp hơn.
Song, các mẫu DUV cũ hơn, chẳng hạn như TWINSCAN NXT:1980Di, cũng có thể bị cấm xuất sang khoảng sáu cơ sở sản xuất của Trung Quốc. Nguồn tin của Reuters cho biết quy định mới cho phép Washington phân loại các nhà máy bán dẫn cụ thể bị “trừng phạt”, đồng thời áp đặt hạn chế xuất khẩu ngay cả với những thiết bị có hàm lượng Mỹ nhỏ.
Theo kế hoạch, quy định mới của Hà Lan không có hiệu lực ngay lập tức, mà sẽ triển khai từ tháng 9 (hai tháng sau công bố).
Trong khi đó, Mỹ có thể công bố biện pháp hạn chế mới vào cuối tháng 7 bằng cách yêu cầu giấy phép xuất khẩu thiết bị sang những cơ sở bán dẫn nhất định tại đại lục, gồm một nhà máy của SMIC - công ty chip lớn nhất Trung Quốc.
Bên cạnh nhà máy sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ASML, một số công ty khác cũng sẽ bị tác động bởi quy tắc mới của Hà Lan, chẳng hạn như ASM International (hệ thống lắng đọng lớp nguyên tử).
(Theo Reuters)