Đáp trả những phàn nàn từ Bắc Kinh, Mỹ đã lên tiếng bảo vệ quyền của Tổng thống Barack Obama trong việc đưa tranh cãi lãnh thổ ở Biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali vào cuối tuần này.

  Biển Đông rõ ràng là mối quan tâm... Ảnh: Wordpress

"Chúng tôi tin là vấn đề an ninh hàng hải là chuyện thích hợp để thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á", phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói với các phóng viên đi cùng Tổng thống Obama. "Và trong bối cảnh các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải, Biển Đông rõ ràng là một mối quan tâm".

Ông Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bali vào thứ bảy. Theo giới phân tích, động thái này cho thấy Washington muốn khẳng định vị trí như một đối trọng với Trung Quốc trong nỗ lực trấn an các đồng minh của mình về cam kết của Mỹ với khu vực.

Tuy nhiên, hôm qua (16/11), Bắc Kinh đã ám chỉ rằng, Mỹ có ý tiếp tục gây sức ép, rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chỉ nên được giải quyết giữa các quốc gia có liên quan. "Trung Quốc tin rằng, tranh chấp nên được giải quyết thông qua các cuộc tham vấn hòa bình giữa các bên có liên quan trực tiếp", trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói với báo chí trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh.

"Sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài không giúp ích cho giải quyết vấn đề, trái lại, nó chỉ làm phức tạp thêm và phá hoại hòa bình cũng như ổn định và phát triển trong khu vực", ông Lưu dường như đề cập tới vị trí của Mỹ.

Phát biểu trong chuyến bay của ông Obama tới Australia, nơi Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày từ hôm nay, ông Rhodes thừa nhận rằng, hội nghị thượng đỉnh Đông Á không phải là một "tòa án". "Đó không phải là diễn đàn giải quyết các vấn đề lãnh thổ cụ thể. Nhưng nó sẽ là một diễn đàn để giải quyết những nguyên tắc mà chúng ta tiếp cận các vấn đề này. Biển Đông sẽ là một phần trong cuộc thảo luận về an ninh hàng hải và chúng tôi sẽ tập trung vào các nguyên tắc dẫn tới dòng chảy tự do của thương mại".

Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Khu vực này được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí. Tranh chấp ở Biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng như tại cuộc gặp thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Bali bắt đầu từ ngày mai.

Theo kế hoạch, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ đề xuất một cuộc họp của tất cả các bên tranh chấp, bao gồm cả Trung Quốc nhằm "thảo luận về các tuyên bố chủ quyền và xác định những khu vực không tranh chấp cũng như có tranh chấp cho mục tiêu thiết lập một vùng hợp tác chung", quan chức Philippines cho biết.

Ông Aquino mong muốn vùng biển này trở thành nơi của "hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác" thay vì trở thành "điểm hỏa" cho xung đột.

Khi được hỏi liệu Washington có ủng hộ đề xuất của ông Aquino, ông Rhodes trả lời: "Chúng tôi tán thành khả năng của tất cả các nước đưa ra những quan tâm của mình trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Đông Á".

         ASEAN đã có kịch bản cho Biển Đông

Ngoại trưởng Indonesia hôm qua nói ASEAN “đã có một kịch bản” cho vấn đề Biển Đông, và sớm muộn gì Trung Quốc cũng phải tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Ông Natalegawa nói: “Chúng ta đã có một kịch bản ASEAN, không phải là những quy chế lỏng lẻo nữa. Một sự việc nào vượt ra khỏi kịch bản đó sẽ là trở thành vấn đề căng thẳng”. Ông đề cập tới bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố các bên về quy tắc ứng xử biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc thông qua hồi tháng 7 năm nay. “Việc đồng thuận về bản hướng dẫn đã loại bỏ một trở lực lớn. Và bây giờ chúng ta tập trung vào việc thực thi DOC bằng các dự án cụ thể”.

Theo Thanh Niên


Thái An (theo maritimesecurity)

Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương
Chính quyền Obama sẽ mở rộng các hoạt động kinh tế, quân sự và đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trong Hội nghị thượng đỉnh APEC đang diễn ra tại Hawaii.
 
Tổng thống Philippines đưa Biển Đông ra ASEAN
Các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ được Tổng thống Aquino đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali tuần tới.
 
Tự do hàng hải ở Biển Đông là sống còn
Nhìn nhận Biển Đông mang ý nghĩa toàn cầu, các đại biểu quốc tế cho rằng bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống đối với các nước trong khu vực.
 
Việt - Ấn: Cần đảm bảo an ninh Biển Đông
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông.
 
Mỹ, Úc thúc giục tự do hàng hải Biển Đông
Mỹ và Australia cùng kêu gọi tự do hàng hải không cản trở ở Biển Đông và thúc giục sự kiềm chế trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.