Chuyến phà mới kết nối Triều Tiên với Nga vừa cập bến lần đầu ở thành phố cảng Vladivostok, bất chấp Mỹ kêu gọi các quốc gia giáng cấp quan hệ với Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Dịch vụ phà giữa Vladivostok và cảng Rajin của Triều Tiên được mở dù chính quyền Kim Jong Un vừa bắn thử tên lửa loại mới ra vùng biển gần Nga.

{keywords}

Phà Mangyongbong của Triều Tiên cập cảng thành phố Vladivostok thuộc vùng viễn đông Nga ngày 18/5. (Ảnh: Reuters)

Các nhà vận hành dịch vụ phà ở phía Nga giải thích đây đơn thuần là hoạt động thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đây là ý định của Bình Nhưỡng muốn xây dựng quan hệ với Moscow trong trường hợp bị Trung Quốc xoay lưng lại.

Các nhà hoạt động giải thích, tuyến phà được mở do lượng du khách Trung Quốc muốn đi du lịch đường thủy tới cảng Vladivostok tăng cao. Trung Quốc không có cảng nào ở Biển Nhật Bản, vì vậy đi tới Triều Tiên rồi tới Vladivostok là cách nhanh nhất để tới được thành phố của Nga.

"Đó là hoạt động kinh doanh của chúng tôi, của công ty chúng tôi. Chính phủ không liên quan, không bao cấp, không giúp đỡ", hãng tin Reuters dẫn lời Mikhail Khmel, Phó Giám đốc Investstroytrest, công ty Nga vận hành con phà.

Tuyến phà mới đi vào hoạt động bất chấp kêu gọi gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng các nước cần thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và xem xét lại quan hệ của mình với Triều Tiên để ép nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hãy thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và cắt đứt hoặc giáng cấp quan hệ cả thương mại lẫn ngoại giao với Triều Tiên" – phát ngôn viên Katina Adams của Bộ Ngoại giao Mỹ nói khi được hỏi về diễn biến mới.

Bà này nêu ra rằng theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Nga có nghĩa vụ phải "kiểm tra mọi hàng hóa, bao gồm đồ đạc cá nhân, của bất kỳ ai đến và rời khỏi" Triều Tiên.

Mỹ hiện đang thảo luận với Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Bắc Kinh tỏ ra thất vọng trước sự phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia láng giềng, nhưng vẫn là đối tác thương mại chính.

Washington muốn Liên Hợp Quốc cấm vận gắt gao hơn để cắt đứt các nguồn lực tài chính của Bình Nhưỡng và triệt tiêu việc chuyển lậu các vật liệu cần cho chương trình vũ khí vào Triều Tiên.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các bên nên đối thoại với Triều Tiên thay vì đe dọa nước này.

Khi được hỏi về tuyến phà mới, phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga nói bà "không thấy có liên quan nào" giữa dịch vụ này và các vấn đề chính trị.

Thanh Hảo