Ảnh minh họa: TechNode |
Gần đây nhất, giá cổ phiếu ZTE giảm 23% trên sàn chứng khoán Hong Kong ngày 16/3 sau khi báo chí đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ điều tra công ty Trung Quốc vì cáo buộc hối lộ. Tình trạng “rơi tự do” của cổ phiếu ZTE báo hiệu các nhà đầu tư đang lo sợ Mỹ có thể một lần nữa áp lệnh cấm vận như năm 2018.
Tháng 4/2018, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố cấm các công ty trong nước xuất khẩu hàng hóa cho ZTE trong 7 năm. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được dỡ bỏ. Giá trị thị trường của ZTE nhanh chóng “bay” vài tỷ USD.
Thông tin về cuộc điều tra hối lộ của Mỹ nhằm vào ZTE đến trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư vào “cơ sở hạ tầng mới”, dự kiến bơm 25 nghìn tỷ NDT (3,6 nghìn tỷ USD) vào các lĩnh vực như viễn thông, vận tải, trí tuệ nhân tạo.
Các rắc rối của ZTE với chính phủ Mỹ tuy không nổi cộm như đồng hương Huawei nhưng cũng gây hậu quả nặng nề. Theo NBC, vụ điều tra mới nhất tập trung vào cáo buộc ZTE hối lộ cho quan chức nước ngoài để giành lợi thế khi kinh doanh trên toàn cầu. Không rõ các nước mà ZTE thực hiện hành vi này là những quốc gia nào.
Trong một tuyên bố, ZTE khẳng định cam kết thực hiện các nghĩa vụ pháp lý và ưu tiên hàng đầu là trở thành đối tác kinh doanh đáng tin cậy. Họ cũng cho biết chưa nhận được thông báo từ các cơ quan chính phủ Mỹ dù truyền thông đã đưa tin.
Theo The Hill, ZTE cùng với Huawei bị giám sát chặt chẽ do Mỹ lo ngại các công ty này có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu với chính phủ Trung Quốc nếu được yêu cầu. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Trump xem việc loại Huawei và ZTE ra khỏi mạng lưới Mỹ là ưu tiên. Tuần trước, ông Trump ký luật cấm sử dụng quỹ liên bang để mua sắm thiết bị từ các tổ chức dường như đe dọa đến an ninh quốc gia. Đồng thời, Mỹ lập quỹ 1 tỷ USD hỗ trợ các nhà mạng nhỏ loại bỏ, thay thế thiết bị của các tổ chức này.
Thiết bị của ZTE và Huawei đang được sử dụng tại khu vực nông thôn. Hiệp hội Không dây nông thôn ước tính 25% công ty thành viên dùng thiết bị từ ít nhất 1 trong 2 công ty này trong năm 2018.
Du Lam (Tổng hợp)