Vợ chồng Carol và Jeff Starr sốc nặng khi nhà riêng của họ ở quận Cam, miền nam bang California, Mỹ bị đột nhập hồi mùa xuân năm ngoái. Bọn tội phạm đã phá két sắt và lấy đi toàn bộ số đồ trang sức quý, trị giá tới 8 triệu USD của họ.
Theo các công tố viên, một nhóm trộm đã trốn ở sườn đồi cạnh nhà của ông bà Starr, theo dõi họ rời đi cùng người thân trước khi ra tay hành động. Bọn tội phạm đã trèo qua hàng rào, phá cửa sổ phòng ngủ phía trên để chui vào nhà nạn nhân.
“Bạn không còn cảm thấy an toàn trong ngôi nhà của mình nữa. Tôi quá sợ và phát điên khi nghĩ về những gì có thể đã xảy ra”, bà Starr bộc bạch, đồng thời tiết lộ bản thân cảm thấy may mắn vì không có ai trở về nhà trong lúc bọn trộm gây án.
CNN dẫn lời các công tố viên lưu ý, vụ đột nhập gia đình Starr chỉ là một trường hợp điển hình cho vấn nạn “du khách ngoại trộm cắp”, ám chỉ những kẻ trục lợi đến từ các quốc gia được Mỹ miễn visa nhập cảnh tới 90 ngày. Theo nhà chức trách, khi các nghi phạm, thường từ Nam Mỹ, đặt chân đến xứ sở cờ hoa, chúng đã tham gia vào các đường dây trộm cắp tinh vi nhằm vào những ngôi nhà sang trọng.
Công tố viên quận Cam Todd Spitzer cho hay, trong một số trường hợp, các nghi phạm thường mặc đồ ngụy trang nằm rình rập mục tiêu. “Chúng đã lợi dụng thực tế là hầu hết mọi người không lắp cảm biến cửa sổ hoặc máy dò chuyển động trên tầng hai ngôi nhà. Chúng có thiết bị gây nhiễu WiFi để ngăn công ty an ninh nhận được báo động”, ông Spitzer nói thêm.
Công tố viên này thông tin, hàng hóa bị đánh cắp thường được rao bán nhanh chóng và tiền sẽ được gửi về quê hương của nghi phạm, phổ biến nhất là Chile. Lí do vì Chile hiện là quốc gia Nam Mỹ duy nhất đủ điều kiện được hưởng chương trình miễn trừ visa của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có tên gọi “Hệ thống cấp phép đi lại điện tử” (ESTA).
Vấn đề lan rộng ra ngoài bang California. Tháng trước, cảnh sát ở Scottsdale, bang Arizona tuyên bố đã bắt giữ 3 công dân Chile có liên quan đến một loạt vụ trộm trong thành phố. Năm ngoái, cảnh sát ở nhiều nơi khác như Baltimore, bang Maryland; Raleigh, bang Bắc Carolina và quận Nassau ở New York cũng thông báo bắt giữ những người mang quốc tịch Chile, được Mỹ miễn visa gây ra các vụ đột nhập nhà giàu để trộm cắp tài sản.
Mặc dù không có con số thống kê chính thức về số vụ “du khách ngoại trộm cắp”, nhưng con số tối thiểu được cho lên tới hàng trăm. Chỉ tính riêng quận Ventura của California, nhà chức trách đã quy kết 175 vụ trộm ở các khu dân cư do những nhóm đạo chích xuyên quốc gia thực hiện từ năm 2019 - 2023.
Tại một buổi họp báo hồi tháng 3, Jeff Walther, cảnh sát trưởng Scottsdale nhấn mạnh, không phải mọi người Chile tới Mỹ theo chương trình miễn visa đều phạm tội. Song, ông tin đã đến lúc chính phủ liên bang Mỹ cần phải xem xét lại những bất cập của chương trình này.
Nỗ lực tìm giải pháp
Vợ chồng Rama và Balakrishna Sundar đã xây dựng ngôi nhà mơ ước hướng nhìn ra biển ở Dana Point, California. Tuy nhiên, sau khi “du khách ngoại trộm cắp” đột nhập vào nhà họ qua cửa sổ phòng ngủ hồi năm ngoái, cặp đôi tiết lộ muốn rời khỏi đây vì không còn cảm thấy an toàn nữa.
Theo ông Sundar, những tên trộm còn dùng búa tạ đập vào cửa thang máy, có lẽ vì chúng nghĩ rằng có két sắt ở phía sau cửa. Khi công ty an ninh nhận được cảnh báo, những tên trộm đã bỏ trốn mà không lấy được thứ gì có giá trị. Theo đơn khiếu nại trình sở cảnh sát quận Cam, các nghi phạm là công dân Chile và ít nhất một trong số đó từng được bảo lãnh tại ngoại vì một tội danh khác.
Công tố viên Spitzer đã lên tiếng chỉ trích Chile, với lí do nước này đang không tiết lộ thông tin cơ bản về những người được miễn visa, cản trở việc truy tố ở Mỹ.
Chính phủ Chile không phản hồi yêu cầu bình luận về sự việc của CNN.
Trong khi đó, trang web của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho hay, chương trình miễn visa là thiết yếu cho việc “mở rộng các mối quan hệ kinh tế và văn hóa”. Hơn 40 quốc gia đủ điều kiện tham gia chương trình này của Mỹ.
DHS thừa nhận, bộ này cũng “quan ngại sâu sắc về một số cá nhân đến Mỹ và tham gia vào hoạt động tội phạm”, nhưng lưu ý “các quan chức Chile đã ứng phó bằng cách cải thiện hoạt động hợp tác với DHS để ngăn chặn việc đi lại của những phần tử tội phạm đã biết”.
DHS tiết lộ, cơ quan này đang đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin sinh trắc học giữa Mỹ và Chile và khi quá trình được triển khai đầy đủ, sẽ cho phép các quan chức Mỹ truy cập vào lý lịch tư pháp của du khách.
Tháng trước, Công tố viên Spitzer đã kiện Bộ Ngoại giao Mỹ, yêu cầu xem xét các chi tiết trong một thỏa thuận an ninh song phương nhằm ngăn chặn và phòng chống tội phạm nghiêm trọng do cơ quan này đã ký với Chile vào tháng 7/2023. Ông Spitzer tỏ ra ngạc nhiên khi Mỹ hiện vẫn chưa chứng kiến việc giảm đáng kể các vụ “du khách ngoại trộm cắp”.
Gia đình Sundar cũng mong muốn Washington nhận ra tính cấp thiết của vấn đề và có giải pháp giải quyết hiệu quả.