Hôm 3/4, Tây Ban Nha lại tiếp tục ghi nhận thêm 932 người chết, trong ngày thứ hai liên tiếp con số người tử vong vượt ngưỡng 900. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức ở nước này, tốc độ tăng trưởng trong số ca nhiễm mới và tử vong đều đang có dấu hiệu chậm lại.

{keywords}
Nhân viên y tế khử trùng xe đẩy bệnh nhân bên ngoài bệnh viện Burgos, miền Bắc Tây Ban Nha hôm 2/4

Hiện Tây Ban Nha đang ghi nhận tổng cộng 11.198 ca tử vong do Covid-19, đứng thứ hai thế giới sau Italia. Về số ca, Tây Ban Nha hiện có 119.199 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 30.513 trường hợp đã khỏi bệnh.

Hôm 3/4, Bộ trưởng Y tế Đức cho biết nước này đã gửi 50 máy thở cho Tây Ban Nha, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trên thế giới.

Italia tiếp tục là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu với 119.827 ca nhiễm, 14.681 người thiệt mạng và 19.758 trường hợp đã khỏi bệnh. So với Tây Ban Nha, dù hiện đang có số ca nhiễm gần như tưởng đương, song Italia có tỉ lệ tử vong cao hơn (12%) và số người khỏi bệnh ít hơn đáng kể.

Đức, đã có thêm 145 người thiệt mạng do Covid-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong ở quốc gia này lên 1.275 trong số 91.159 ca dương tính, ngoài ra đã có 24.575 trường hợp khỏi bệnh. Tuy Đức hiện đang làm khá tốt trong việc giữ tỉ lệ tử vong ở mức thấp (1,3%) song giám đốc Viện Robert Koch, cơ quan kiểm sát dịch bệnh của nước này hôm 3/4 đã cảnh báo rằng sức chứa của các khoa chăm sóc đặc biệt ở Đức có thể không đủ lớn khi nước này chứng kiến số ca nhiễm ngày càng tăng cao. Trên thực tế, tỉ lệ tử vong ở Đức đã bắt đầu có chiều hướng tăng lên trong vài ngày vừa qua.

{keywords}
Đức sẽ biến SVĐ Westfalen, SVĐ bóng đá lớn nhất cả nước, thành một bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân Covid-19

Ở một diễn biến tích cực hơn, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kết thúc thời gian tự cách ly và quay trở lại làm việc, sau khi 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Bà Merkel đã phải tự cách ly sau khi bác sĩ tiêm vắc-xin cho bà được chẩn đoán dương tính với Covid-19.

Một vị nguyên thủ quốc gia khác đang phải tự cách ly là Thủ tướng Anh Boris Johnson, khi ông có kết quả dương tính vào tuần trước. Ở Anh, thời gian tự cách ly sau khi nhiễm virus chỉ là 7 ngày và ngày 3/4 theo lịch là ngày ông Johnson dự kiến sẽ kết thúc thời gian tự cách ly. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson đã cho biết ông sẽ tiếp tục tự cách ly khi vẫn còn các triệu chứng của virus và vẫn chưa hết sốt.

Nước Anh hiện ghi nhận 38.688 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 3.611 ca tử vong và chỉ có 208 ca khỏi bệnh được ghi nhận chính thức tại các bệnh viện. Hôm 3/4, Thái tử Charles, người cũng vừa kết thúc thời gian tự cách ly sau khi nhiễm virus, đã chính thức khánh thành bệnh viện dã chiến cực lớn tại trung tâm hội nghị ExCeL ở thủ đô London. Bệnh viện này ban đầu sẽ cung cấp 500 giường bệnh được trang bị máy thở, và có khả năng cung cấp thêm hàng ngàn giường bệnh nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 3/4 đã đưa ra dự đoán rằng đỉnh dịch của Anh sẽ rơi vào Chủ Nhật Phục sinh (12/4).

Ông cũng cho biết kịch bản xấu nhất của Anh là có số người chết do Covid-19 lên đến 50.000 người, nếu lệnh cách ly không được tuân thủ nghiêm ngặt. Nữ hoàng Elizabeth đã có một bài phát biểu đến người dân về vấn đề đại dịch, sẽ được phát sóng vào ngày 5/4 tới. Đây mới chỉ là lần thứ 4 Nữ Hoàng phát biểu trước người dân nước Anh về các sự kiện đặc biệt, trong suốt 68 năm trị vì của bà.

{keywords}
 Thái tử Charles tuyên bố khánh thành bệnh viện dã chiến qua video từ nơi ở riêng

Pháp đã ghi nhận thêm 588 ca tử vong do Covid-19 hôm 3/4, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng nổ ở quốc gia này. Tổng cộng đã có 6.520 ca tử vong tại Pháp và 14.135 trường hợp khỏi bệnh, trên tổng số 65.202 ca nhiễm tại ổ dịch lớn thứ 4 tại châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia châu Âu mới nhất áp dụng các biện pháp cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Giao thông ra vào 31 thành phố lớn đã bị đình chỉ, và lệnh cấm đi lại được áo dụng với người trên 65 tuổi, dưới 20 tuổi và những người bị bệnh mãn tính.

Ngoài ra, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở những nơi công cộng. Thổ Nhĩ Kỳ hiện ghi nhận 20.921 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 425 ca tử vong và 484 trường hợp khỏi bệnh.

{keywords}
 Một sạp tạp hoá mở cửa giữa một con phố không người tại quận Eminonu vốn đông đúc của thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ hiện có ít nhất 273.880 ca nhiễm virus corona chủng mới và 7.077 người đã tử vong. Ngày 3/4 chứng kiến số ca tử vong cao kỷ lục mới, với thêm 1.094 người chết, phá vỡ kỷ lục 946 vừa lập hôm 2/4. Như vậy, tỉ lệ tử vong ở Mỹ đang vào khoảng 2,5%, với 9.707 trường hợp đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong sẽ còn tăng lên khi công suất của hệ thống y tế đang gần đạt mức tối đa ở nhiều thành phố như New York hay New Orleans. Hôm 3/4, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết ngày 5/3 tới sẽ là ngày thành phố chính thức hết máy thở, và bệnh viện dã chiến tại Công viên Trung tâm dự kiến cũng sẽ đạt công suất tối đa trong vài ngày tới.

Ở khắp các bang trên toàn nước Mỹ, các bệnh viện dã chiến đang được dựng lên, bên cạnh đó là các nỗ lực nhằm chiêu mộ sự hỗ trợ của nhiều y bác sĩ và nhân viên y tế nhất có thể. Hôm 3/4, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu các trang thiết bị y tế khan hiếm như khẩu trang N95, khẩu trang y tế, găng tay và các dụng cụ bảo hộ cá nhân khác ra nước ngoài. “Chúng ta cần những vật phẩm này ngay lập tức để sử dụng trong nước. Chúng ta phải có được chúng”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 3/4.

{keywords}
 Bệnh viện dã chiến tại Công viên Trung tâm (Central Park) tại thành phố New York dự kiến sẽ đạt công suất tối đa trong một vài ngày tới

Tuy nhiên, cũng vào hôm 3/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đưa ra một lời cảnh báo thẳng thừng đối với chính phủ của ông Trump, rằng việc cấm xuất khẩu những lô hàng khẩu trang N95 thiết yếu sang Canada “sẽ gây thiệt hại tương tự cho người Mỹ”. Bình luận này được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh cho hãng sản xuất thiết bị y tế 3M không được phép tiếp tục xuất khẩu các thiết bị thiết yếu sang Canada. Ông Trudeau cho biết “Mỹ cũng đang nhận được các nhu yếu phẩm, sản phẩm thiết yếu và nhân viên y tế từ Canada mỗi ngày”, và sẽ là một “sai lầm” nếu chính phủ Mỹ ngăn chặn hoặc giảm bớt luồng cung ứng qua lại giữa hai nước.

{keywords}
Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Canada hiện ghi nhận 12.344 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 179 ca tử vong và 2.175 trường hợp khỏi bệnh.

Anh Thư