Khu vực Đông Nam Á sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu, viện nghiên cứu Market Intelligence & Consulting Institute (MIC) nhận định.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/11/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 121,6 tỷ USD, chiếm tới 18,86% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 48,3 tỷ USD, tăng 12,6% (tương đương với 5,4 tỷ USD).
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ dẫn đầu, tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Chỉ tính 10 tháng đầu năm, xuất khẩu máy tính điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 13,23 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Tiếp theo là Trung Quốc đạt 9,81 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, nhập khẩu khối này lên tới 73,3 tỷ USD, tăng 14,2% (tương đương với 9 tỷ USD).
Nhập khẩu từ Trung Quốc 20,6 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Từ Hàn Quốc 20 tỷ USD tăng 23,2%; Đài Loan (Trung Quốc) là 9,62 tỷ USD; Nhật Bản 6,03 tỷ USD
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 130,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 51 tỷ USD và nhập khẩu gần 75,5 tỷ USD. Xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của các doanh nghiệp FDI đạt trên 49,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm trước và chiếm 97,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 644,7 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng với 74,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 326,68 tỷ USD, tăng 14,8% (tương ứng với 42,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 318,02 tỷ USD, tăng 11,4% (tương ứng tăng 32,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Lũy kế đến 15/11/2022, cán cân thương mại thặng dư 8,66 tỷ USD.