Theo đại diện của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ và OneWeb cho biết, hai vệ tinh từ các chùm vệ tinh của OneWeb và Starlink của SpaceX đã né tránh va chạm khi chúng tiếp cận gần nhau ở mức độ nguy hiểm trên quỹ đạo vào cuối tuần trước. Đây là sự kiện tránh va chạm đầu tiên được biết đến đối với hai công ty đối thủ khi họ chạy đua để phát triển mạng Internet băng rộng vệ tinh của mình.
Vệ tinh Starlink có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm tháng 4/2020 |
Vào ngày 30/3 vừa qua, tức là 5 ngày sau khi OneWeb phóng vào không gian chùm 36 vệ tinh mới nhất của mình từ Nga, công ty đã nhận được một số “cảnh báo đỏ” từ Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 của Lực lượng không gian Hoa Kỳ cảnh báo về một vụ va chạm có thể xảy ra với vệ tinh Starlink. Bởi vì chùm vệ tinh của OneWeb hoạt động ở quỹ đạo cao hơn so với chùm vệ tinh Starlink của SpaceX nên để chùm vệ tinh của OneWeb đi vào quỹ đạo của mình thì phải đi qua mạng lưới vệ tinh của SpaceX.
Cảnh báo của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ chỉ ra xác suất va chạm là 1,3%, khi hai vệ tinh cách nhau khoảng 57m, đây được coi là một khoảng cách nguy hiểm đối với các vệ tinh trên quỹ đạo. Nếu các vệ tinh va chạm trên quỹ đạo, nó có thể gây ra một thảm họa, tạo ra hàng trăm mảnh vỡ gây ảnh hưởng đến các vệ tinh khác gần đó.
Hiện tại, không có cơ quan quốc gia hoặc toàn cầu nào buộc các nhà khai thác vệ tinh phải hành động trước các vụ va chạm được dự đoán. Các cảnh báo khẩn cấp của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã được gửi cho các nhà chức trách của OneWeb và SpaceX để điều phối các hoạt động nhằm đặt hai vệ tinh ở khoảng cách an toàn hơn với nhau.
Ông Chris McLaughlin – Giám đốc phụ trách lĩnh vực pháp lý và quan hệ với chính phủ của OneWeb cho biết, trong khi phối hợp với OneWeb, SpaceX đã vô hiệu hóa hệ thống tránh va chạm tự động được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo (AI) để cho phép OneWeb điều khiển vệ tinh của mình tránh xa các vệ tinh khác. Không rõ lý do chính xác tại sao SpaceX lại vô hiệu hóa hệ thống tránh va chạm này. Hiện SpaceX chưa đưa ra các bình luận về vấn đề này.
Hệ thống tự động tránh va chạm vệ tinh của SpaceX đã gây ra nhiều tranh cãi, làm dấy lên lo ngại từ các nhà khai thác vệ tinh khác, họ cho rằng không có cách nào biết được hệ thống vệ tinh Starlink sẽ di chuyển theo cách nào trong trường hợp tiếp cận gần.
SpaceX hiện đã phóng lên không gian 1.443 vệ tinh, trong đó có khoảng 1.370 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo và đang tiếp tục phóng thêm hàng nghìn vệ tinh trong thời gian tới, với tham vọng xây dựng mạng lưới vệ tinh Starlink với 12.000 vệ tinh phủ sóng băng thông rộng toàn cầu. Trong khi đó, OneWeb cho đến nay đã phóng 146 vệ tinh, trong số 648 vệ tinh mà công ty dự định đưa vào quỹ đạo để phát triển một mạng lưới internet băng rộng toàn cầu tương tự như của SpaceX nhưng hoạt động ở quỹ đạo cao hơn.
Ngoài OneWeb và SpaceX thì Amazon của tỷ phú Jeff Bezos cũng đã cam kết tham gia cuộc đua phủ sóng internet băng rộng vệ tinh toàn cầu. Amazon đã lên kế hoạch phóng hơn 3.000 vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp. Mục tiêu của tất cả các công ty đều muốn truyền Internet băng thông rộng đến các vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh nhất trên Trái đất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng và các chính phủ.
Việc phóng vệ tinh vào không gian là điều bình thường, nhưng lo lắng trong ngành công nghiệp vệ tinh đang gia tăng khi OneWeb, SpaceX, Amazon và các công ty khác đang chạy đua để triển khai thêm nhiều vệ tinh hơn vào không gian. Và nguy cơ xảy ra va chạm với các vệ tinh Starlink lần này không phải là lần đầu tiên. Vào năm 2019, một vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng đã phải di chuyển để tránh một vụ va chạm có thể xảy ra với vệ tinh Starlink.
Với việc các vệ tinh của OneWeb, Amazon và Telesat ở quỹ đạo cao hơn so với quỹ đạo vệ tinh Starlink của SpaceX nên nhu cầu thiết lập các quy tắc rõ ràng về đường đi trong quỹ đạo đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Caleb Henry, một nhà phân tích ngành công nghiệp vệ tinh tại Quilty Analytics cho biết: “OneWeb và những công ty vệ tinh khác sẽ phải bay qua quỹ đạo của chùm vệ tinh Starlink để đi vào quỹ đạo, vì vậy SpaceX cần đảm bảo rằng các nhà khai thác vệ tinh khác có thể thực hiện điều đó một cách an toàn”.
Phan Văn Hòa (theo TheVerge)
Starlink của Elon Musk có làm nên cách mạng Internet cho vùng hẻo lánh?
Dù mới chỉ trong quá trình thử nghiệm ở một số địa điểm hẻo lánh tại Mỹ song đã có những đánh giá ban đầu về chất lượng Internet do Starlink cung cấp.