Theo trang tin Bloomberg, phát biểu tại một hội thảo ngày 7/10, Giám đốc NRO Chris Scolese cho biết những hệ thống vệ tinh mới được bố sung có thể cung cấp "thông tin chi tiết ở những khu vực tại Triều Tiên mà Mỹ khó có thể thu thập trong quá khứ".
Trước đó, hai hệ thống vệ tinh này từng cung cấp hình ảnh để hỗ trợ các chiến dịch sơ tán của Mỹ tại Afghanistan cùng những nỗ lực phục hồi sau thảm họa động đất ở ở Haiti.
"Tôi không thể nêu tên của chúng. Điều tôi có thể khẳng định là chúng tôi từng phóng thử nghiệm các hệ thống vệ tinh này vào năm ngoái", ông Scolese tiết lộ. "Cả hai dự án đều được phát triển theo phương thức kết hợp các thiết bị, hệ thống đã được thương mại hóa với một số tính năng đặc biệt do chính phủ tài trợ".
Tên lửa hạng nặng Delta IV của nhà thầu United Launch Alliance, mang kiện hàng mật của NRO, được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California (Mỹ) hồi tháng 4. Ảnh: ULA. |
Lãnh đạo NRO nói thêm rằng, quá trình phát triển, chế tạo và phóng vào quỹ đạo Trái đất của các vệ tinh này diễn ra trong vòng chưa đến 3 năm. Cả hai cũng đều được bàn giao đúng kế hoạch và không vượt ngân sách ban đầu.
Ngoài ra, ông Scolese cho rằng việc tiết lộ sự tồn tại của hai hệ thống vệ tinh mới và được sử dụng để do thám Triều Tiên "có thể là một bất ngờ lớn" đối với những người biết đến NRO, nơi vốn khá kín tiếng về các hoạt động của mình.
Theo mô tả từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, NRO thường chế tạo và vận hành các vệ tinh “với mục đích chính là thu thập hình ảnh và phát tín hiệu thông tin để hỗ trợ hoạt động tình báo của các cơ quan khác”. Dù Tổng thống Jimmy Carter vào năm 1978 từng thừa nhận việc Mỹ có triển khai các nhiệm vụ do thám từ vũ trụ, song phải đến năm 1992, chính phủ Mỹ mới chính thức xác nhận sự tồn tại của NRO.
Một trong những lý do khiến NRO tăng cường tính minh bạch của mình đến từ việc cơ quan đang muốn khai thác thị trường tư nhân một cách rộng rãi hơn, đồng thời tăng cường sự hợp tác với các nhà cung cấp ảnh chụp vệ tinh thương mại.
“Chúng tôi đã đạt được nhiều hợp đồng thương mại với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm”, Giám đốc Chris Scolese cho hay. "Những hợp đồng này bao gồm nhiều dịch vụ, từ phóng vệ tinh, dữ liệu đám mây, sản xuất thiết bị bay cho tới cung cấp dữ liệu. Chúng cung cấp các ảnh chụp của nhiều khu vực với tổng diện tích lên tới 100 triệu km2 vào mỗi tuần".
Việt Anh
Ảnh vệ tinh cáo buộc Triều Tiên mở rộng cơ sở làm giàu uranium
Hãng tin CNN cho biết đã thu thập được các ảnh vệ tinh mới cho thấy, Triều Tiên đang mở rộng một cơ sở chủ chốt có khả năng làm giàu uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Những “mắt thần” trên quỹ đạo của Mỹ
Nhờ những vệ tinh, “con mắt quan sát” trên quỹ đạo, quân đội Mỹ dễ dàng xác định thời gian, thông tin liên lạc và định hướng giúp họ cùng vũ khí, trang bị vượt qua hàng trăm km trên chiến trường có điều kiện khắc nghiệt.