Mới đây, ca sĩ Mỹ Anh - con gái ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân phát hành MV Nhìn những mùa thu đi - sáng tác kinh điển của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sản phẩm thuộc đĩa mở rộng GenZ và Trịnh do Universal Music Vietnam thực hiện.

Không ngoài dự đoán, bản thu của Mỹ Anh nhận phản hồi đa chiều. Phần lớn phản hồi trái chiều tập trung vào khía cạnh phát âm cùng phong cách hát "thản nhiên" của Mỹ Anh, bản phối và những thay đổi về nhịp độ bài hát. Một số bình luận quá khích công kích cá nhân người hát là Mỹ Anh.

Ca sĩ Mỹ Anh.

Thực tế, việc ca sĩ hát nhạc Trịnh nhận phản ứng trái chiều là "chuyện muôn thuở". Hiện tượng này xảy ra, lặp đi lặp lại từ khi Trịnh Công Sơn sinh thời đến hơn 20 năm sau khi ông tạ thế. Trong tâm lý học hành vi, Hội chứng vịt con (Baby duck syndrome) chỉ việc con người có xu hướng coi những trải nghiệm, cảm xúc cũng như sự vật tiếp xúc đầu tiên là "tốt nhất", "chuẩn nhất". Vì vậy, dễ hiểu vì sao ngoại trừ Khánh Ly, bất cứ ai hát nhạc Trịnh đều có thể bị phán xét khắt khe, kể cả nàng thơ thứ 2 được Trịnh Công Sơn thừa nhận là diva Hồng Nhung. 

Trường hợp ca sĩ Mỹ Anh, cô ca sĩ nổi bật thế hệ Z hát bài Nhìn những mùa thu đi bằng giọng airy (giả thanh có độ khào nhẹ), xử lý hơi hướng R&B, không ngân rung, ít nhấn nhá và luyến láy trên bản phối swing-jazz cổ điển có nhịp độ nhanh hơn bản gốc. 

Từ cách xử lý, thể hiện đến bản phối, hình ảnh trong MV của Mỹ Anh đã thể hiện rõ nhất cá tính của cô, đặc trưng của thế hệ Z và màu sắc âm nhạc đương thời. Thậm chí, có thể nói Mỹ Anh hát Nhìn những mùa thu đi là một cách người trẻ mô tả mình là ai bằng âm nhạc cùng thái độ của họ đối với di sản nghệ thuật thế hệ trước để lại ra sao.

Âm nhạc là dòng chảy không bao giờ ngừng lại; luôn biến thiên và phản ánh tâm thức con người trong từng giai đoạn phát triển khác nhau. Mỗi giai đoạn, âm nhạc sẽ có cách thể hiện đặc trưng. Mỗi nghệ sĩ lại mang màu sắc và cá tính riêng. Vì thế, nên xem việc Mỹ Anh hát Nhìn những mùa thu đi bằng phong cách đặc thù cá nhân là hiển nhiên. 

Chính danh ca Khánh Ly - nàng thơ của Trịnh Công Sơn - từng nói với VietNamNet: "Dòng sông có bao giờ đứng yên, càng không chảy ngược. Tôi nghĩ nên đón nhận cái mới như chấp nhận một dòng sông hiển nhiên phải trôi đi. Sông trôi ra biển lớn như dung hòa cái mới và cái cũ, làm giàu bản sắc vốn có. Âm nhạc không nên nói chuyện đúng sai". Cá nhân bà thích nghe Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Thu Phương, Uyên Linh,... hát nhạc Trịnh, thừa nhận "rất nhiều người hát nhạc ông hay hơn tôi". 

Mỹ Anh hát 'Nhìn những mùa thu đi'

Đồng quan điểm Khánh Ly, một người em thân thiết của Trịnh Công Sơn là NSƯT Hồng Vân cho rằng việc dẹp bỏ định kiến là một cách để nhạc Trịnh sống mãi. Bà từng nói với VietNamNet, hãy để bất cứ ai hát nhạc Trịnh theo cách riêng họ muốn. 

Từng chấm nhiều cuộc thi hát nhạc Trịnh, Hồng Vân không hài lòng việc nhiều nghệ sĩ góp ý thí sinh sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia cho "đúng chất nhạc Trịnh". Bởi theo bà, nhạc Trịnh là âm nhạc toàn dân, chính nhạc sĩ sinh thời chưa từng áp đặt quy chuẩn phải hát thế nào mới đúng. Cá nhân Hồng Vân luôn hát nhạc Trịnh theo cách luyến láy, nốt dài, ngân rung đặc trưng của mình.

Dù vậy, Mỹ Anh thể hiện bài Nhìn những mùa thu đi chưa thật trọn vẹn. Cô thiếu sự đồng điệu và rung cảm cần có với tác phẩm. Khái niệm "cảm xúc" đối với người nghe tưởng như mơ hồ, không có barem đánh giá nhưng thực tế thể hiện ở khâu xử lý. Hát nhanh, nhẹ nhàng không đồng nghĩa trôi tuột; ít nhấn nhá, luyến láy không tương đồng thiếu điểm nhấn, xử lý chưa rõ nét.

Trong gia tài hàng trăm nhạc phẩm, Nhìn những mùa thu đi - sáng tác năm 1963, năm Trịnh Công Sơn 24 tuổi - là một trong những bài nhẹ nhàng, trong trẻo và ít triết lý nhất. Song, đây vẫn là một bài hát buồn. Cách Mỹ Anh thể hiện cho thấy cô đang tận hưởng việc hát Trịnh hơn là đồng cảm với nỗi buồn nhẹ nhàng mà dai dẳng trong bài hát. Có lẽ, như chính ca sĩ 20 tuổi thừa nhận, cô hát chỉ trẻ chứ chưa đủ trải nghiệm. 

Tựu trung, bản thu Nhìn những mùa thu đi của Mỹ Anh là một điểm nhấn của làng nhạc tháng 6. Nhạc phẩm qua tiếng hát Mỹ Anh là dư vị của sự trong trẻo, tươi mới chưa từng gặp ở nhạc Trịnh. Nếu dự án nghệ thuật là mối duyên lành để Mỹ Anh gặp nhạc Trịnh, tương lai cô có thể truyền tải thêm nhiều nhạc phẩm phù hợp với từng giai đoạn khác nhau trong đời mình. Đây cũng là cách để thị trường âm nhạc luôn đa sắc và nhạc Trịnh "bất tử" như NSƯT Hồng Vân nói.

Khánh Ly và Lệ Thu song ca 'Nhìn những mùa thu đi'

Lê Thị Mỹ Niệm

Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi bài viết vào địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.