Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Barack Obama tới Delhi phản ánh một đường hướng mới trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ.

TIN BÀI KHÁC:

Đó là nhận định của nhà phân tích Seema Sirohi, theo hãng tin BBC.

Cách đây một thập niên, Mỹ thông báo sẽ làm một "cuộc đánh cược chiến lược dài hạn" vào Ấn Độ và chuyến thăm cho thấy Delhi sẵn sàng đáp lại.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Barack Obama đã công bố một "sự hợp tác toàn cầu" - cho thấy, Mỹ không chỉ là một đối tác chiến lược đơn thuần mà còn là đối tác chiến lược chính của Ấn Độ trên thế giới.

Chuyến thăm mang nặng cả tính hình thức lẫn nội dung. Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên được mời làm khách chính trong Ngày Cộng hòa của Ấn Độ và là người đầu tiên hai lần thăm đất nước châu Á này khi đương nhiệm.

Điểm quan trọng nhất trong cuộc gặp Obama-Modi là sự hợp tác Mỹ-Ấn về "đại chiến lược" ở châu Á.

Việc ký kết "Tầm nhìn Chiến lược chung về khu vực châu Á - Thái Bình dương và Ấn Độ Dương" có vẻ là bình thường, nhưng nó chứa đầy tín hiệu - với Trung Quốc.

Đây là lần đầu Ấn Độ và Mỹ cùng nhau công khai tuyên bố, họ không muốn châu Á bị thống trị bởi một cường quốc. Hai nước sẽ cùng hợp tác duy trì tự do hàng hải, an ninh biển và an toàn trên không, đặc biệt ở là Biển Đông.

Họ khẳng định mọi tranh cãi phải được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Đó là những hàm ý về hành xử của Trung Quốc trong khu vực, nơi nước này đang có nhiều tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và cả Indonesia. Thông điệp cho thấy, Modi và Obama có chung đánh giá về Bắc Kinh.

Nhưng cũng cần nhớ rằng, đây không phải là một "liên minh" chống Bắc Kinh vì cả Ấn Độ và Mỹ đều ràng buộc kinh tế rất lớn với Trung Quốc. Đây là một kiểu xây dựng hàng rào để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Một vấn đề quan trọng nữa là làm mới lại thỏa thuận khung quốc phòng Mỹ - Ấn, theo đó hai nước sẽ hợp tác quân sự nhiều hơn. Hai bên cũng quyết định về 4 dự án quốc phòng về cùng phát triển và cùng sản xuất, giúp Ấn Độ nâng cấp năng lực sản xuất quốc phòng.

Hai bên cũng sẽ gỡ bỏ một số vấn đề tồn tại từ lâu về việc đưa một thỏa thuận hạt nhân dân sự vào hoạt động. Một số nhà phân tích có thể nghi ngờ về đột phá thật sự nhưng ít nhất hai chính phủ cũng đã đạt đến một sự hiểu biết chung.

Những gì vừa diễn ra ở Delhi cho thấy, mối quan hệ Mỹ - Ấn sắp được đẩy lên một mức độ mới. Điều đó có nghĩa là hai nước sẽ gạt bỏ bất đồng để thực hiện các cam kết.

Bài phát biểu của ông Obama gửi tới người dân Ấn Độ tại sự kiện sau cùng ở Delhi chính là hành động "phủ một lớp kem lên bánh" - ông ca ngợi sự đa dạng của Ấn Độ và hy vọng đất nước này không bao giờ bị chia rẽ theo các tôn giáo hay bất kỳ ranh giới nào.

Đây là một lời nhắc nhở lịch sự từ vị khách tới thăm, rằng sẽ cần đến một Ấn Độ mạnh mẽ để đối mặt với vô số thách thức ở châu Á.

Bất đồng vẫn còn đó, như giữa bất kỳ hai người bạn nào, nhưng những nghi ngờ lẫn nhau trước kia sẽ giảm bớt. Điều đó đồng nghĩa với một mối quan hệ mạnh mẽ hơn, mang lại cho Ấn Độ không gian chiến lược và ngoại giao trước những láng giềng khó chơi.

Thanh Hảo