Xây dựng hạn mức quỹ khẩn cấp thế nào cho phù hợp với thu nhập và điều kiện tài chính của mỗi người chính là điều khiến mọi người băn khoăn nhưng lại thường bị bỏ quên.
Quỹ khẩn cấp là 1 khái niệm được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Song, từ chuyện chi thế nào cho đủ, tiêu sao cho ấm đã đủ khiến người ta đau đầu rồi. Vậy thì, phải làm thế nào mới có thể xây dựng được quỹ khẩn cấp trong trường hợp tài chính của bạn không thực sự quá dư dả?
1. Xác định hạn mức tối thiểu
Về lý thuyết, quỹ khẩn cấp không đơn thuần chỉ là một khoản tiết kiệm cho những chi phí phát sinh (ví dụ như: du lịch, mua sắm, sửa xe, đổi máy tính/điện thoại...).
Thay vào đó, quỹ khẩn cấp còn phải đảm bảo khả năng chi trả cho những hóa đơn lớn ngoài kế hoạch. Thậm chí, nó đủ điều kiện để trở thành một khoản thu nhập thay thế khi bạn đột ngột mất việc hoặc nguồn thu nhập chính.
Nếu như tìm hiểu sơ qua về khái niệm này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều lời khuyên khác nhau về hạn mức tối thiểu của quỹ khẩn cấp. Nhiều chuyên gia khuyến nghị định mức tối thiểu cho khoản này tối thiểu bằng 3 đến 12 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Và nếu vì thế mà bạn thấy hoang mang và lo lắng mình sẽ không thể xây dựng được quỹ khẩn cấp thì đừng vội bỏ qua. Mỗi đối tượng đều có thể xác định được định mức phù hợp thông qua cách sau:
* Định mức 1: Tối thiểu 3- 4 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản
Bạn nên dành quỹ tối thiểu cho mình bằng con số này trong trường hợp sau:
- Không có nhiều yếu tố lệ thuộc tài chính khác, ví dụ: nuôi con cái, bố mẹ, người thân hay thú cưng...
- Sức khỏe tài chính của bạn ở mức tương đối "khỏe mạnh": Điều này có nghĩa là bạn không có nhiều khoản nợ, nhu cầu sinh hoạt ở mức trung bình, không có thói quen chi tiêu lớn cho các nhu cầu đột xuất.
- Công việc ổn định: Mức thu nhập hiện tại đủ để bạn cân bằng các khoản chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Ngoài ra, bạn phải đảm bảo dễ dàng tìm được một công việc nếu không may mất đi công việc hiện tại.
* Định mức 2: Tối thiểu 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản
- Công việc không cố định, nhiều rủi ro về tính biến động: Với những bạn làm công việc tự do hoặc đang làm những công việc không dễ tìm cơ hội việc làm khác chính là những ví dụ đơn cử.
- Sức khỏe tài chính ở mức ổn định nhưng nhu cầu sống cao: Điều này cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu cho sinh hoạt và các nhu cầu cá nhân chiếm phân nửa thu nhập hàng tháng.
- Có các yếu tố lệ thuộc tài chính khác như: con cái, thú cưng...
Ngoài các yếu tố kể trên, mức tối thiểu này còn phù hợp nếu bạn không có người hỗ trợ về tài chính khi cần thiết, có vấn đề về sức khỏe cần phải chăm sóc duy trì, hay làm việc, hoạt động trong môi trường có nhiều rủi ro (ví dụ bạn là vận động viên các bộ môn thể thao mạo hiểm).
* Định mức 3: Tối thiểu 12 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản
Thông thường, hạn mức quỹ khẩn cấp này thường áp dụng cho những người đã có gia đình, con cái và là trụ cột thu nhập của gia đình.
Tiêu chí cho mức tối thiểu 12 tháng sẽ phù hợp nhất nếu bạn có điều kiện tài chính tốt.
Bước 1: Tính số tháng chi tiêu cần tiết kiệm
Đây chính là lý do mà bạn cần xác định hạn mức của quỹ khẩn cấp. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cũng khuyên rằng, với những người mới bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp thì 3-6 tháng thu nhập chính là hạn mức bạn nên tiết kiệm.
Bước 2: Tính toán thật kỹ mức chi tiêu trung bình 1 tháng
Trong vòng 1 tháng, bạn chắc chắn sẽ phải chi rất nhiều tiền cho các chi phí sinh hoạt: tiền thuê nhà (nếu có), các hóa đơn điện - nước - nhu yếu phẩm - mĩ phẩm... Hãy tính toán thật kĩ càng vì những khoản càng nhỏ lại càng dễ phát sinh.
Bước 3: Lập mục tiêu xây dựng quỹ khẩn cấp
Ví dụ, nếu bạn muốn tiết kiệm 4 tháng chi tiêu với chi phí chi tiêu của 1 tháng là 10 triệu đồng, hạn mức quỹ khẩn cấp mục tiêu của bạn sẽ là 40 triệu đồng.
Tương tự, hãy nhân chi phí hàng tháng của bạn với số tháng bạn muốn tiết kiệm. Từ đó, bạn sẽ xây được mục tiêu quỹ khẩn cấp của mình là để làm gì.
Bước 4: Thiết lập tự động hóa khoản tiền chuyển vào tài khoản tiết kiệm
Việc này sẽ giúp hành trình xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Việc xây dựng quỹ có thể sẽ gây nhiều khó khăn và bất cập ở thời gian đầu, nhất là khi bạn chưa có thói quen tiết kiệm một khoản tiền lớn. Và nhiều khi, các khoản chi tiêu phát sinh (thậm chí là chi tiêu bốc đồng) sẽ khiến bạn tiêu lẹm vào khoản tiền lẽ ra cần được gửi vào quỹ khẩn cấp này. Điều đó sẽ gây gián đoạn quá trình xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn.
Bước 5: Tối ưu nguồn tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp
Trong thời gian tiết kiệm, nếu có thêm các khoản thu khác (tiền hoàn thuế, thu nhập phụ, trúng thưởng), bạn nên cân nhắc gửi chúng vào quỹ khẩn cấp để đạt được mục tiêu hoàn thiện quỹ sớm hơn so với mục tiêu.
Trên đây là các bước mà bạn có thể áp dụng để tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng quỹ khẩn cấp, nhất là ở giai đoạn đầu tiên. Bạn có thể vất vả một chút khi bắt đầu, nhưng hãy nghĩ tới tương lai thoải mái dùng tiền để thực hiện các mục tiêu lớn hơn mà bạn đã ấp ủ từ lâu, hoặc cũng có thể chỉ là cảm giác an tâm khi về già.
Theo Phụ nữ Việt Nam