Có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực đang bị lãng phí trên thế giới mỗi năm, tiêu tốn của nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD. Một nửa số rác thải thực phẩm ấy do chính các hộ gia đình tạo ra. Nó làm lãng phí của mỗi gia đình khoảng 750 USD/năm (gần 17 triệu đồng).
Tổ chức từ thiện giải cứu thực phẩm OzHarvest khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi mua thực phẩm để giảm số lượng thực phẩm bị lãng phí mỗi ngày. Ronni Kahn, người sáng lập và Giám đốc điều hành của OzHarvest, nói: “Để quên thức ăn trong tủ lạnh, mua và nấu quá nhiều, để thực phẩm hết hạn sử dụng hay bảo quản không đúng cách…, có rất nhiều lý do dẫn đến việc lãng phí thực phẩm”.
OzHarvest đã đưa ra những mẹo mua sắm, bảo quản và nấu nướng để các hộ gia đình tránh được tình trạng lãng phí đồ ăn, tiết kiệm số tiền lớn mỗi năm.
1. Quan sát
Nhìn vào những gì bạn có
Bạn đang có những gì trong tủ lạnh và tủ bếp? Những thứ nào cần ăn ngay, thứ nào sắp hết và mặt hàng gì còn nhiều? Việc xác định điều này rất quan trọng để bạn không mua thừa thực phẩm.
Kiểm tra hạn sử dụng
Nếu một mặt hàng đã qua “ngày tốt nhất để sử dụng”, bạn vẫn có thể ăn nó. Hãy sử dụng nó càng sớm càng tốt để tránh lãng phí. Nếu mặt hàng đã quá “hạn sử dụng”, hãy bỏ nó đi vì lý do an toàn thực phẩm.
Lên kế hoạch cho các bữa ăn
Lập kế hoạch cho các bữa ăn là một việc làm rất quan trọng giúp ngăn ngừa lãng phí thực phẩm. Nó cũng là một cách hoàn hảo để bạn loại bỏ các món ăn vặt không lành mạnh ra khỏi thực đơn hàng ngày.
Khi lập kế hoạch bữa ăn, bạn đừng quên những thức ăn thừa từ bữa trước để tránh bỏ phí chúng.
2. Mua sắm
Chỉ mua những gì bạn cần
Hãy lập một danh sách mua sắm và bám sát nó, đừng để bản thân bị phân tâm bởi bất kỳ điều gì khác trong thời gian ở siêu thị.
Tránh xa trái cây và rau củ đóng gói sẵn
Hãy mua trái cây và rau củ rời thay vì các túi đóng gói sẵn. Các túi đóng gói sẵn nhiều khi có khối lượng vượt mức so với nhu cầu của bạn, không dùng hết dễ dẫn tới phải bỏ phí.
3. Lưu trữ
Sắm các hộp bảo quản thực phẩm tốt
Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp chúng tươi ngon lâu hơn. Bạn đừng tiếc tiền đầu tư các hộp lưu trữ chất lượng tốt, giúp kéo dài thời hạn sử dụng cho trái cây và rau xanh. Đồng thời bạn hãy nhớ chuyển thực phẩm cần ăn trước ra phía ngoài dễ nhìn thấy khi mở tủ lạnh.
Đảm bảo tủ lạnh đủ lạnh
Hãy luôn giữ nhiệt độ tủ lạnh ở mức khoảng 4 độ C và đảm bảo không gian bên trong có đủ chỗ trống cho không khí lạnh lưu thông.
Đông lạnh thực phẩm
Nếu có bất kỳ thực phẩm tươi sống nào mà bạn mua số lượng nhiều, hãy nhớ đông lạnh chúng ngay. Hoặc một số mặt hàng gần hết hạn sử dụng nhưng bạn không thể ăn hết sớm, việc đông lạnh cũng sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng.
4. Nấu nướng
Thay đổi suy nghĩ của bạn
Thay vì đặt câu hỏi: “Tôi muốn ăn gì?”, hãy đưa ra vấn đề: “Chúng ta nên dùng thứ gì trong tủ lạnh để nấu ăn?”. Việc thay đổi suy nghĩ sẽ giúp bạn tận dụng tối đa nguyên liệu có trong nhà, không bỏ phí chút nào.
Sáng tạo
Hãy sáng tạo cho các công thức nấu ăn, sử dụng bất kỳ thực phẩm nào sẵn có trong bếp. Thức ăn thừa cũng có thể chế biến thành món ăn khác để tăng hương vị.
Theo Nhịp sống Việt/ Báo Tổ quốc