- Vợ chồng tôi kết hôn với nhau 15 năm và có hai đứa con gái. Thời gian gần đây, tôi phát hiện chồng mình có quan hệ và chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác, thậm chí còn từng về quê cô ta làm đám cưới bí mật.
Hiện giờ, cô ta đang có thai và sắp sinh. Xin hỏi luật sư tôi có quyền kiện hai người đó không? Tôi có thể ngăn cản con của hai người đó mang họ chồng tôi không?
Tôi có thể ngăn cản con riêng của chồng mang họ của anh? (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Quy định pháp luật về chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Căn cứ vào Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định các hành vi bị cấm, theo đó: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
Hành vi chung sống như vợ chồng nói trên có thể bị xử phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, hành vi chung sống như vợ chồng tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147, BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009,Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Nếu có bằng chứng về việc chồng bạn chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác trong thời kỳ hôn nhân, thì bạn có thể báo với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính.
Thứ hai: Con riêng mang họ của chồng bạn
Con sinh ra trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng được xác định là con ngoài giá thú.
Theo Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em 2004, Điều 11. Quyền được khai sinh và có quốc tịch
1. Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.
2. Trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, nếu có yêu cầu thì được cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ để xác định cha, mẹ theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân gia đình 2014, Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Căn cứ theo quy định trên,khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú cũng giống như đăng ký cho con trong giá thú. Nếu cha đứa trẻ nhận con thì họ tên cha sẽ được ghi trong giấy khai sinh.
Theo quy định, họ và quê quán của con sẽ được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ, theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha mẹ.
Trong trường hợp con ngoài giá thú không xác định được cha hoặc cha không nhận con thì phần họ tên cha trong giấy khai sinh sẽ để trống. Khi đó họ và quê quán của đứa trẻ sẽ được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.
Nếu người cha nhận con để trong giấy khai sinh, họ của con được xác định theo họ của người cha thì phải tiến hành thủ tục nhận cha cho con, trước hoặc cùng với việc đăng ký khai sinh.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc