Thông qua sức mạnh của câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh và bằng sức mạnh của thông tin, tuyên truyền đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, đúng đối tượng, báo chí sẽ kiến tạo nền tảng dư luận xã hội tích cực để góp phần nhân lên sức mạnh tinh thần của quốc gia và thúc đẩy đất nước phát triển hùng cường.
LTS: Việt Nam cần phải làm gì để trở thành một quốc gia hùng cường và “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn? Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Vì “Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo nên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo chúng ta”.
Từ vai trò đóng góp to lớn của báo chí cách mạng trong lịch sử
Thuở mới ra đời cách đây hơn ba thế kỷ ở châu Âu, tờ báo ban đầu chủ yếu mang chức năng thông tin. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, báo chí ngày càng mở rộng chức năng, sự ảnh hưởng của mình đối với xã hội và công chúng. Báo chí không những có tác dụng thông tin, tuyên truyền, giải trí, mà còn góp phần giáo dục tư tưởng, cổ vũ hành động, giám sát và phản biện xã hội. Xã hội càng phát triển, báo chí càng thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của mình. Trong bối cảnh nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng “4.0”, báo chí còn là một trong những công cụ góp phần đánh thức, khai phóng, khai sáng những tiềm năng vô tận của con người, của mỗi quốc gia dân tộc.
So với báo chí thế giới, báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn, nhưng báo chí nước nhà đã có những đóng góp to lớn trong việc khai sáng dân trí, củng cố và tăng cường sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc, điều này được thể hiện sinh động trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thế kỷ 20. Nhờ có báo chí cổ vũ, tuyên truyền kịp thời, báo chí cách mạng Việt Nam đã khơi dậy, cổ vũ lòng yêu nước cho quân dân ta, đồng thời lên tiếng vạch rõ âm mưu, hành động xâm lược phi nhân tính của kẻ thù, qua đó thức tỉnh lương tri nhân loại tiến bộ và lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới (trong đó có cả người dân các nước thực dân, đế quốc xâm lược Việt Nam) ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta.
Vào giữa những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, nhờ có báo chí mạnh dạn lên tiếng phê phán cách làm ăn bảo thủ, lạc hậu, cản trở sự phát triển đất nước, cũng như kịp thời cổ vũ mạnh mẽ những cách thức làm ăn mới, hiệu quả, góp phần tháo gỡ những rào cản, bất cập từ cơ chế, chính sách quan liêu, bao cấp, Đảng và Nhà nước ta sớm cầu thị, tiếp thu từ kênh thông tin báo chí, từ đó từng bước xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói, báo chí lúc đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần mở đường, kiến tạo công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thành quả của hơn ba thập niên đổi mới của đất nước ta là vô cùng to lớn. Nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định, muốn tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, muốn đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa thì nhất thiết phải khơi nguồn, giải phóng mọi tiềm năng, khai phóng bộ não giàu ý chí, trí tuệ, sáng tạo của hơn 95 triệu người dân Việt. Để giải phóng, khai phóng tiềm năng đặc biệt này của người Việt đòi hỏi phải có những chính sách, giải pháp căn cơ, đồng bộ từ mọi cấp, mọi ngành, trong đó cần phát huy tối ưu vị thế, sức mạnh của báo chí, truyền thông.
Đến sứ mệnh của báo chí trong việc khơi nguồn sức mạnh quốc gia dân tộc
Thông qua thực hiện sứ mệnh của mình, báo chí góp phần tạo nên niềm tin và khát vọng của cả quốc gia dân tộc. Sứ mệnh đó thể hiện ở chỗ, báo chí không chỉ thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, nhân lên cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống để kiến tạo nền tảng đồng thuận xã hội và môi trường ổn định chính trị, mà còn lên án cái xấu, cái ác để giúp mọi người cảnh giác, tránh xa, loại bỏ.
Báo chí không chỉ tham gia cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực xã hội để góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, mà còn tích cực đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Báo chí không chỉ cổ vũ phong trào quốc gia khởi nghiệp, khuyến khích mọi nhà làm giàu chính đáng, phổ biến, nhân rộng những cách làm ăn mới, sáng tạo để mọi người học tập, làm theo, mà còn động viên, khích lệ người dân sống tốt, sống đẹp để góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.
Để thực hiện sứ mệnh của mình, báo chí hiện nay không thể không tích cực, chủ động đi đầu khơi nguồn sức mạnh nội lực của con người Việt Nam thông qua việc phát hiện, tôn vinh, quảng bá, phát huy những ưu điểm, mặt mạnh của người Việt; đồng thời thẳng thắn chỉ ra, phê phán, phản tỉnh và hiến kế giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của người Việt. Vì bất cứ cộng đồng dân tộc nào, ngoài những ưu điểm về nhân cách, cũng còn có những hạn chế nhất định về tính cách cá nhân, tính cách cộng đồng. Con người Việt Nam, bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần gắn kết cộng đồng, lao động cần cù, lối sống nhân nghĩa,… cũng còn không ít tật xấu như thói xuề xòa, tùy tiện, sùng ngoại, cào bằng, ưa nịnh, phô trương, háo danh…
Có một thời nói đến tài nguyên thiên nhiên đất nước, cộng đồng dân tộc và con người Việt Nam, công tác giáo dục tuyên truyền nói chung, báo chí nói riêng thường “tô hồng”, thiên nói về những cái tốt, cái đẹp, mà rất ngại, thậm chí né tránh nói những mặt hạn chế, nhược điểm của người Việt. Điều này vô hình trung làm cho con người tự ảo tưởng về mình, từ đó thiếu ý chí, nỗ lực vươn lên và tìm cách khắc phục những “lỗ hổng” khiếm khuyết nội tại trong bản thân.
Khi báo chí đề cập đến thói hư tật xấu trong tính cách người Việt không phải là xem nhẹ, hạ thấp nhân cách Việt, mà chính là góp phần giúp người Việt tự phản tỉnh chính mình, từ đó tự điều chính thái độ, hành vi, lối sống của mình theo hướng nhân lên cái hay, cái tốt, cái đẹp và giảm thiểu, loại bỏ những mặt hạn chế, nhược điểm không phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, pháp luật và văn minh xã hội. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc liều lượng, mức độ, tần suất tuyên truyền vấn đề này ở mức độ hợp lý, tránh hiện tượng “tả khuynh” khiến dư luận xã hội phân tâm, lợi bất cập hại.
Muốn góp phần làm cho xã hội tốt lên, thì tự thân báo chí cũng phải tốt lên. Do vậy, báo chí cần nhận diện, khắc phục cho được “gót chân asin” của mình. “Gót chân asin” đó chính là một số cơ quan báo chí, một bộ phận người làm báo thời gian qua đã hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, có biểu hiện thương mại hóa, thông tin giật gân, câu khách rẻ tiền, làm phương hại đến uy tín báo chí và tổn hại đến niềm tin của công chúng.
Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội. Giá trị của báo chí không ở đâu xa, mà chính là những thông tin khách quan, trung thực, chính xác, nhân văn, bổ ích mà báo chí đã mang lại cho công chúng và xã hội. Thực tế đã chỉ ra rằng, giá trị công cao nhất của báo chí thể hiện ở việc các cơ quan báo chí coi trọng, ưu tiên lợi ích chung của xã hội và lấy đại đa số công chúng làm đối tượng phục vụ chính. Mạng xã hội dù có một số thông tin của cá nhân đưa ra nhanh nhạy đến mấy, nhưng cũng không thể và không bao giờ thay thế được sứ mệnh của báo chí, vì tính chính xác, nhân văn mới là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí.
Tuy không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng báo chí cũng là một trong những nhân tố góp phần quyết định đến sự thành bại, hưng vong của một thể chế xã hội, một quốc gia dân tộc. Điều này càng thấy rõ ràng hơn trong kỷ nguyên thông tin hiện nay.
Một khi báo chí chủ công xung kích đi đầu góp phần làm trong sạch môi trường thông tin, môi trường văn hóa, môi trường xã hội, báo chí sẽ góp phần điều chỉnh, định hướng xã hội phát triển theo hướng lành mạnh, văn minh. Thông qua sức mạnh của câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh và bằng sức mạnh của thông tin, tuyên truyền đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, đúng đối tượng, báo chí sẽ kiến tạo nền tảng dư luận xã hội tích cực để góp phần nhân lên sức mạnh tinh thần của quốc gia và thúc đẩy đất nước phát triển hùng cường.
Thiện Văn
Muốn tạo niềm tin xã hội, báo chí phải tạo niềm tin cho chính mình
Chỉ số hài lòng của công chúng dành cho báo chí càng cao, thì chứng tỏ bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo càng lớn.