Sau chia sẻ của độc giả Khánh Nhi về băn khoăn, quá buồn ngủ, liệu lái xe có thể dừng đỗ xe trên làn dừng khẩn cấp để ngủ và có bị phạt không. Vấn đề trên đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của độc giả cũng như cộng đồng mạng.
Không ít ý kiến cho rằng việc dừng đỗ xe trên làn dừng khẩn cấp để ngủ là nguy hiểm. Tuy nhiên, không nên lái xe trong tình trạng buồn ngủ bởi nó có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những phương tiện khác. Do vậy, nhiều độc giả cho rằng lái xe nên dừng lại, rửa mặt mũi để lấy lại sự tỉnh táo trước khi tiếp tục hành trình.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều người cho rằng có thể dừng đỗ xe trên làn dừng khẩn cấp, đặt cảnh báo nguy hiểm và ngủ khoảng 20 đến 30 phút sau đó tiếp tục lên đường.
Tham gia giao thông trên cao tốc được quy định nghiêm ngặt về việc dừng đỗ |
Thậm chí, độc giả có tên Anh Quân (Lai Châu) cho rằng: "Buồn ngủ cũng có thể coi là trường hợp khẩn cấp. Vì nó có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Trong luật không quy định cụ thể thế nào là trường hợp khẩn cấp. Do vậy, có thể dừng xe trên làn dừng khẩn cấp. Bạn nên chọn một đoạn đường có đèn đường sáng, đường thẳng và dừng xe. Khi dừng xe, phải thực hiện đặt cảnh báo, bật đèn cảnh báo cho các phương tiện khác. Sau đó có thể ngủ một chút".
Trong khi đó, độc giả Tiến Thi (Bắc Giang) lại cho rằng: "Đường cao tốc ở Việt Nam không có nhiều đoạn dài. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn ngủ thì nên nghỉ trước khi nhập vào đường cao tốc".
Bên cạnh những ý kiến đồng tình việc ngủ trên làn dừng khẩn cấp, không ít ý kiến lại cho rằng đó là hành vi phạm luật. Anh Hoàng Như Phương (Lái xe đường dài Bắc - Nam) cho rằng: "Buồn ngủ thuộc về lỗi chủ quan của người lái xe. Vì vậy, việc dừng xe để ngủ cũng như dừng xe để ăn uống trên đường cao tốc là vi phạm luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm c, khoản 7 điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Vì vậy nên đi đến trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc và nghỉ.
Theo quy định tại khoản 3 điều 26 - Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết”.
Như vậy, nếu dừng đỗ xe không đúng nơi quy định mà không có biển cảnh báo cho người khác biết thì sẽ bị phạt theo Điểm c khoản 7 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Xuân Lan
Quá buồn ngủ, tôi dừng xe trên cao tốc để nghỉ có bị phạt?
Tôi thường có cảm giác rất buồn ngủ mỗi khi đi trên đường cao tốc. Tuy nhiên, liệu dừng xe trên đường cao tốc để ngủ có nguy hiểm hay bị phạm luật?