Vợ chồng độc lập tài chính không phải là chuyện hiếm có khó tìm. Chúng tôi đã sống với nhau hạnh phúc suốt 10 năm nay nhờ cách phân chia đóng góp đó.
Chuyện vợ chồng góp tiền 50-50, tôi thấy các chị em có vẻ phản đối ghê quá! Tôi muốn chia sẻ câu chuyện gia đình mình để mọi người có cái nhìn đa chiều hơn, rằng việc vợ chồng độc lập tài chính không phải là kì quái, hiếm có khó tìm.
Hiện chúng tôi sống ở Singapore, hai vợ chồng đều đi làm, có lương. Chúng tôi không chia theo tỷ lệ cứng nhắc nào cả nhưng chồng tôi thu nhập cao hơn nên sẽ tự giác đóng góp nhiều hơn. Phần còn lại cả hai có thể tự quản lý và chi tiêu số tiền riêng của mình. Tuy nhiên, với những khoản chi lớn, chúng tôi cũng sẽ bàn bạc.
Cách chi tiêu này giúp vợ chồng tôi sống thoải mái, chưa từng cãi vã về chuyện tiền bạc suốt 10 năm qua.
Dưới đây tôi xin giải đáp một số câu hỏi thường gặp của nhiều người về việc tiền bạc phân minh giữa vợ, chồng.
Tiền bạc phân minh thì làm sao quản lý tài chính gia đình?
Điều quan trọng nhất là sự tin tưởng và tôn trọng giữa hai người. Chúng tôi độc lập tài chính nhưng vẫn vô cùng minh bạch và luôn đối thoại với nhau.
Chồng tôi thu nhập bao nhiêu, thưởng được bao nhiêu, đều đưa bảng lương cho tôi xem hết (anh rất thích khoe vợ). Tôi cũng nói cho chồng biết thu nhập của mình. Hai vợ chồng đều có khoản đầu tư riêng nhưng cũng nói với nhau (đầu tư chứng khoán nên không cần hùn hạp gì).
Chồng tôi sẽ tham khảo ý kiến của vợ xem có nên đầu tư cái này cái kia không, hoặc nếu có “deal” nào ngon sẽ bảo nhau, rồi tổng hợp lại tất cả các tài khoản tiết kiệm, đầu tư bảo hiểm cho vào một file Excel chung để nếu một người có chuyện gì thì người kia biết đi đâu mà lấy.
Các khoản chi trong gia đình thì làm thế nào?
Chúng tôi chia ra, người trả cái này người trả cái kia.
Chồng tôi thu nhập gấp đôi tôi thì trả các khoản to nhất: tiền học phí của con (học trường tư nên học phí cao), tiền giúp việc, tiền quản lý chung cư, điện nước... Nếu cả nhà ra ngoài ăn nhà hàng thì anh lo tiền đi lại và trả hóa đơn, vợ chỉ việc trang điểm cho đẹp rồi đi.
Tôi lo tiền chợ, tiền bỉm sữa, đồ chơi, quần áo cho con, mấy khoản lặt vặt trong nhà. Tôi thích đi du lịch nên cũng chi tiền du lịch luôn (1 năm chắc 1-2 lần).
Tiền mua nhà thì vợ chồng cùng vét tài khoản ra trả (để lại vài ba chục triệu phòng thân). Anh đương nhiên trả nhiều hơn tôi. Bây giờ việc trả nợ mua nhà hàng tháng, cả hai cũng cùng trả.
Có sợ chồng tiêu xài phung phí không?
Vợ chồng tôi giống nhau một điểm là... thích tiết kiệm. Từ khi yêu nhau, tôi đã thấy tính này của anh rồi. Anh đi giày rẻ tiền, quần áo giản dị. Anh còn hay khoe vợ mỗi khi mua được món đồ rẻ nữa. Thế nên sau cưới cũng thế thôi, nhiều khi tôi còn năn nỉ anh mua đồ đẹp để vợ chồng hẹn hò, sống ảo cho sang chảnh mà anh không chịu.
Nói thế chứ nếu anh có nhu cầu mua gì trên 5 triệu sẽ nói với tôi để tôi góp ý có nên mua không. Thu nhập anh cao nên tôi ít quản, chỉ là để ý nếu năm nay anh mua nhiều rồi thì tôi sẽ bảo anh hạn chế, còn nếu chưa mua gì to tát thì tôi để anh thoải mái trong giới hạn.
Tại sao phải phân minh?
Vậy tôi hỏi ngược lại, tại sao phải góp chung? Tôi là vợ đâu có nghĩa là mặc định tôi giỏi chuyện quản lý tiền bạc, sao anh ấy lại phải đưa tiền cho tôi?
Bản thân tôi cũng không muốn đưa tiền cho anh ấy, vì tôi cũng muốn độc lập, không bị động, không dựa dẫm. Lúc tôi làm việc căng thẳng, tâm sự với chồng thì anh cũng bảo “nếu em muốn nghỉ việc cũng không sao, anh có thể nuôi”. Nghe vậy là tôi đủ ấm lòng và yên tâm rồi. Tôi còn đi làm được thì tôi vẫn đi và vẫn kiếm tiền nhưng ít ra tôi biết nếu tôi cần nghỉ thì chồng vẫn ủng hộ.
Chỉ như 2 người bạn góp gạo thổi cơm chung?
Tùy mọi người muốn nhận định sao chứ có "người bạn" như thế này để mình cùng nuôi con, cùng xây dựng cuộc sống thì vẫn ổn. Miễn là hạnh phúc và lo được cho tương lai đúng không mọi người?
Theo truyền thống gia đình ở Việt Nam, vợ thường nắm “tay hòm chìa khóa”. Nhưng ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ đã có những suy nghĩ khác. Người vợ không còn giữ phần lớn thu nhập của chồng, mà chỉ đề nghị đóng góp một phần đủ để chi tiêu trong nhà. Người chồng có thể giữ và tự quản lý phần còn lại.
Nhiều người cho rằng cách đóng góp này cho thấy phụ nữ hiện đại không còn phải phụ thuộc tài chính vào người chồng. Ngược lại, người chồng cũng cần phải san sẻ gánh nặng việc nhà với người vợ. Đó cũng là cách thể hiện rõ ràng nhất sự công bằng và bình đẳng giới trong quan hệ gia đình hiện đại.
Bạn có ý kiến như thế nào về quan điểm này? Hãy gửi câu chuyện về cách đóng góp tài chính của gia đình vào email: [email protected].
Một người vợ chia sẻ, ở nhà cô, tiền ai nấy tiêu, hai vợ chồng đóng góp vào quỹ chung theo tỷ lệ 50-50. Các bà vợ khác rần rần phản đối và cho rằng tiền trong nhà phải về một mối.
Các bà thật kỳ lạ, lương của chồng thì đòi giữ gần hết, vậy mà đến ngày 8/3 lại ngấm nguýt, trách móc vì không tặng vợ món quà sang chảnh, đắt đỏ như chồng nhà người ta.
Bấy lâu nay, gia đình chi tiêu không hợp lý, chẳng tiết kiệm được đồng nào. Tôi muốn được giữ lương của chồng để lo cho tương lai nhưng anh đưa ra điều kiện rất vô lý.