Chia sẻ tại hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng sáng 13/5, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cho rằng vai trò của các nhà mạng trong cuộc chiến chống lừa đảo rất quan trọng.
“Càng chuyển đổi số nhiều thì nguy cơ càng cao. Tội phạm thì ở trong tối, trong khi chúng ta ở ngoài sáng. Câu chuyện phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp, nhà mạng có vai trò trong đó”, ông Tô Dũng Thái nói.
Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ số, nhà mạng cần tuân thủ các quy định pháp luật, phát triển và sử dụng các công cụ, giải pháp phòng chống lừa đảo. Nhà mạng còn phải đảm bảo một vai trò thứ 3 là phát triển và cung cấp các dịch vụ phòng chống lừa đảo.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà nhà mạng phải xử lý chính là câu chuyện SIM rác, đã gây nhức nhối trong nhiều năm qua nhưng việc giải quyết vẫn chưa triệt để.
Cơ quan quản lý nhà nước đã có yêu cầu nhà mạng rà quét, loại bỏ các tài khoản truy cập dịch vụ viễn thông nặc danh như SIM rác, số điện thoại giả mạo, các địa chỉ mạng vi phạm. VNPT, Viettel, MobiFone, Gtel, Vietnamobile,... và cả các nhà mạng ảo (MVNO) đều phải có trách nhiệm cùng với cơ quan quản lý trong giải quyết câu chuyện SIM rác.
“Bộ TT&TT hiện chỉ đạo rất quyết liệt về việc này. Quyết liệt đến mức đã có văn bản cảnh báo người đứng đầu như chúng tôi về câu chuyện SIM rác”, Chủ tịch Tập đoàn VNPT chia sẻ.
Theo ông Tô Dũng Thái, các nhà mạng phải có trách nhiệm trong việc phát triển các công cụ, giải pháp phòng chống lừa đảo. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển, xây dựng các công cụ định danh (brandname) trên hạ tầng viễn thông, bao gồm SMS Brandname, Voice Brandname. Khi có cuộc gọi, tin nhắn đến, người dùng di động có thể định danh được rõ người liên lạc là ai, điều này sẽ góp phần làm giảm bớt hoạt động lừa đảo.
Không chỉ cần định danh cuộc gọi, tin nhắn, nhà mạng cũng cần phát triển các giải pháp giúp định danh người dùng khi sử dụng dịch vụ số. Theo ước tính, với các dịch vụ số phổ biến như hành chính công, tài chính, mạng xã hội, email, sẽ có khoảng 80 triệu người dùng Việt Nam, tương đương 800 triệu tài khoản cần định danh trên mạng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho rằng, các nhà mạng cần phối hợp, chung tay triển khai đồng bộ việc định danh, xác thực người dùng và dịch vụ, cung cấp các dịch vụ viễn thông theo định danh, phát triển công cụ bảo vệ chủ động và sử dụng năng lực viễn thông, công nghệ số để tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về các hình thức lừa đảo, cách sử dụng không gian mạng an toàn.
3 nhóm lừa đảo chính Theo thống kê của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng. Các vụ tấn công lừa đảo thường xuyên nhắm vào những nhóm như người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng. Chủ yếu thông qua hình thức kỹ thuật phổ biến, đó là lừa người dùng cài đặt, truy cập, cung cấp thông tin vào các địa chỉ, phần mềm độc hại. Cách thức phổ biến của lừa đảo trên không gian mạng bao gồm các cuộc gọi điện thoại voice call: lừa đảo trực tiếp, OTT/Email/SMS Phishing (lừa đảo truy cập vào trang web hoặc cài mã độc tống tiền) và lừa đảo qua app trên di động. |