- Tôi đã ly hôn 3 năm và có một bé gái do tôi nuôi dưỡng, cha bé chưa từng trợ cấp nuôi con và tôi cũng không yêu cầu. Cách đây 1 năm, tôi chuyển công tác sang công ty mới và qua giám đốc, tôi quen biết một người Đài Loan. Chúng tôi quyết định sẽ kết hôn vào năm sau.
Tuy nhiên, trước đây, do để tiện cho con học ở TP. HCM và tôi dễ dàng chăm sóc cho bé tốt hơn, tôi vẫn để hộ khẩu của mình và con ở nhà chồng cũ chứ chưa tách khẩu. Căn nhà này đã bán trước khi chúng tôi ly hôn.
Xin hỏi giờ tôi muốn làm thủ tục đăng ký kết hôn lần 2 thì có cần xin nhập khẩu trở về tỉnh nơi cha mẹ tôi sinh sống không?
Ảnh minh họa |
Thủ tục đăng ký kết hôn và thủ tục về hộ khẩu là 2 thủ tục khác nhau.
Thứ nhất: Thủ tục đăng ký kết hôn.
Bạn dự định kết hôn với người Đài Loan và căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 thì UBND cấp huyện nơi cư trú một trong 2 bên có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn.
Theo đó thì hồ sơ đăng ký kết hôn gồm:
1. 01 Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định).
2. Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người Việt Nam và người nước ngoài. Thông thường giấy này do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, và giấy này phải còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc chồng. Nếu không cấp giấy xác nhận này thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật nước đó.
Nếu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này chỉ có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp.
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình.
3. Bản sao CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của người Việt Nam.
4. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo yêu cầu thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
- Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bảo sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy kết hôn.
Còn nếu là công chức, viên chức hoặc những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó. Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, tiến hành nộp hồ sơ đăng ký
Bạn có thể xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú. Bạn đã ly hôn nên cần xuất trình quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án có thẩm quyền.
Thứ hai: Sau đó thì bạn có thể làm thủ tục tách sổ hộ khẩu cho thuận tiện sau này. Thủ tục tách khẩu bao gồm:
- Sổ hộ khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.
Nơi nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc