Không phải do ý muốn chủ quan đặt ra thế này thế nọ mà đến được CNXH. Thực tiễn trong quá trình đổi mới tại nhiều quốc gia đều đã chứng minh điều ấy. Dù có biện minh thế nào cũng không thể phủ nhận muốn CNXH thì nền chính trị phải thật sự dân chủ. 

LTS: Chủ nghĩa xã hội là một mong ước chân thành và chính đáng của rất nhiều người nhưng cho đến nay vẫn chưa có trên hiện thực. Với tựa đề Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có bài viết góp thêm một góc nhìn về chủ đề này.

Nguyên chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng
Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới
Ủy viên Trung ương Đảng hiến kế kiểm soát quyền lực
Chậm phát triển là có tội với tiền nhân, hậu thế
Đảng không thể tồn tại nếu suy đồi về văn hóa

Lâu nay trong các văn bản của cơ quan Đảng và nhà nước, trong các bài viết và nói, chúng ta thường dùng cụm từ “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong đầu đề của bài này tôi viết thêm chữ “với”. Không phải là nhầm lẫn (thêm một từ), không phải là chuyện câu chữ, cũng không phải là phủ định cụm từ cũ, mà là muốn trình bày thêm một cách tiếp cận mới và bình đẳng trong các phương pháp tiếp cận.

Trong nước và trên thế giới, các nhà nghiên cứu, các chính trị gia, nhiều thập niên qua, đã dùng các tên gọi khác nhau để chỉ các loại Kinh tế thị trường. Như là: Kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường XHCN, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rồi kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế thị trường hội nhập… Tôi tôn trọng các cách gọi tên ấy, đó là tự do trong nghiên cứu khoa học và tự do thể hiện chính kiến của các bên.

Tự do và bình đẳng. Chân lý không thuộc độc quyền của riêng ai. Không có chân lý tuyệt đối, không có cái đúng nhất và mãi mãi, mà chỉ có tương đối, tiếp cận gần nhất, và phải tiếp tục bổ sung hoàn thiện khi thời gian đi qua và thế giới đã vận động. Chân lý chỉ có thể được sáng tỏ và tiếp cận gần nhất bằng tự do tranh luận, phản biện và trao đổi giữa các ý kiến khác nhau; có việc còn phải thông qua thử nghiệm.

Hơn 20 năm qua ở Việt Nam ta, tuy đã có không ít các nghiên cứu về kinh tế thị trường định hướng XHCN, cũng như ở Trung Quốc nghiên cứu về kinh tế thị trường XHCN, nhưng cho đến nay, dù có một số tiến bộ so với lúc đầu, khái niệm ấy vẫn chưa đủ rõ, tính thuyết phục chưa cao.

Theo tôi, có lẽ cần phải xem lại phương pháp tiếp cận và nên có thêm cách tiếp cận khác, tiếp cận mới. Mặc dù có nhiều tên gọi về kinh tế thị trường như đã nói nhưng thế giới phổ biến là dùng cụm từ “Kinh tế thị trường”. Đó là một từ đã được quốc tế hóa! Gọn, ngắn và khái quát đủ. Nước ta cũng kêu gọi các nước công nhận Việt Nam có “Kinh tế thị trường” - gọn vậy thôi. Tất nhiên ta không thể yêu cầu họ công nhận “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” vì không để giải quyết vấn đề gì với thế giới và họ cũng không biết thế nào về nó để mà công nhận. Ngay cả chúng ta đây vẫn còn chưa đủ rõ về khái niệm ấy.

{keywords}
Ảnh minh họa: vneconomy

Chủ nghĩa xã hội là một mong ước chân thành và chính đáng của rất nhiều người nhưng cho đến nay vẫn chưa có trên hiện thực, mô hình của Liên Xô và Đông Âu cũ không thành công.

Liên Xô và Đông Âu thất bại có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân thuộc về cách hiểu, cách nghĩ chưa đúng, quan niệm sai lầm về chủ nghĩa xã hội, mà cho đến nay các quan niệm đó tuy có nhiều đổi mới theo hướng đúng nhưng vẫn còn không ít tư duy cũ kỹ và lạc hậu, cần phải tiếp tục đổi mới nữa. Đó cũng là quy luật, là đương nhiên của tư duy, nhất là tư duy biện chứng.

Chủ nghĩa xã hội là dự báo của C.Mác. Thực ra trước ông đã có người nói về CNXH, nhưng mới là một ý tưởng manh nha, sơ khai, chưa có cơ sở khoa học, chưa có lập luận gì đáng kể. Đến C. Mác, dù là dự báo, nhưng có cơ sở khoa học, lập luận lô-gic và sắc sảo. Sau khi C. Mác qua đời, cho đến nay, quan sát kỹ sự phát triển ở các nước tư bản phát triển, thì thực tế ở đó đang chứng minh những điều C. Mác dự báo về CNXH.

Theo ông, như chỗ tôi hiểu, CNTB là phương thức phát triển tiến bộ nhất từ trước tới thời ông sống, trong một thời gian không dài nhưng nó đã tạo ra một lượng của cải bằng mấy nghìn năm của các chế độ trước cộng lại (nguyên thủy, nô lệ, phong kiến). Tuy nhiên, nó không phải là chế độ cuối cùng.

Trong quá trình phát triển tất yếu của mình, bản thân CNTB lại sinh ra những mâu thuẫn mới, buộc phải giải quyết các mâu thuẫn ấy để tiến lên, và cứ thế, cuối cùng sẽ phải có một chế độ mới ra đời thay thế nó. Chế độ mới ấy tiến bộ hơn CNTB và được sinh ra bởi từ chính sự phát triển của CNTB. Sự phát triển cao mới tất yếu dẫn đến CNXH. Bằng sự phát triển, CNTB sẽ làm xuất hiện những nhân tố mới và dần dần tạo ra cơ sở cho xã hội mới - XHCN.

Tôi nghĩ, không phải C.Mác nói gì cũng đúng (mà vĩ nhân nào cũng vậy thôi), nhưng về vấn đề này thì ông đúng, ông có lý, loài người từ CNTB hiện đại sẽ tiến dần lên CNXH một cách tự nhiên, đó là quy luật phát triển của lịch sử - tự nhiên một cách khách quan, do phát triển ở trình độ cao mà thành. Không phải do ý muốn chủ quan đặt ra thế này thế nọ mà đến được CNXH.

Thực tiễn của Liên Xô và phe XHCN, rồi kể cả Việt Nam, Trung Quốc trong quá trình đổi mới đều đã chứng minh điều ấy. Ý muốn chủ quan, nôn nóng, duy ý chí không đến được CNXH hiện thực, thậm chí còn đi xa ra, xa hơn, đối với mục tiêu XHCN. Trong khi đó, ở các nước tư bản phát triển, nhất là khu vực Bắc Âu, cho thấy các nhân tố XHCN dần dần xuất hiện như dự báo của C.Mác.

CNTB hiện đại đã khác rất xa so với CNTB thời C.Mác sống. Nó đã không còn nguyên là nó như trước kia. Nó đã trở thành không phải nó. Nó đã trở thành cái khác. Chính lý thuyết của C. Mác cảnh báo và sự xuất hiện Liên Xô đã góp phần đáng kể thúc đẩy thế giới tư bản phải có bước phát triển ấy. Các nước tư bản phát triển nhất đã gần với CNXH so với nhiều nước gọi là XHCN (tôi nói là gần với CNXH chứ chưa phải đã có CNXH).

Sự tiến bộ ấy là kết quả của phát triển khách quan, không phải của ý chí chủ quan. Về mặt chính trị thì đặc trưng lớn nhất của CNTB là quyền lực thuộc về các tập đoàn tài phiệt, những người giàu có.

Nhưng ngày nay tại các nước tư bản phát triển quá trình dân chủ hóa đã tiến được một bước dài, đã khác rất nhiều, khác căn bản, so với trước đây.

Quyền lực không còn do các tập đoàn tài phiệt nắm giữ như trước nữa mà có vai trò quyết định trực tiếp của dân chúng. Những người lao động là đối tượng bị bóc lột ngày trước nay đã thay đổi thân phận, họ tham gia làm chủ trong quản lý doanh nghiệp, quản lý xã hội.

Việc đó diễn ra nhờ quá trình xã hội hóa các nguồn tư bản và sự xuất hiện kinh tế cổ phần, trong đó công nhân cũng có cổ phần. Những công nhân có trình độ cao có thể được thuê làm giám đốc xí nghiệp. Đời sống của người lao động rất cao so với các nước gọi tên XHCN và phân hóa giàu nghèo ít. Vậy là, CNXH không phải hô khẩu hiệu nhiều mà có, không thể tự gọi tên mình là có, mà phải là sự phát triển thật sự đạt trình độ cao, cộng với sự tiến bộ về văn hóa, về dân chủ thì mới có được CNXH.

Có thể tóm gọn là: Sự phát triển, cộng với nhân văn và dân chủ thì mới có CNXH. Nói cách khác là sự phát triển cao của nền kinh tế cộng với một nền văn hóa giàu tính nhân văn và một nền chính trị thật sự dân chủ thì mới có CNXH. Có thể tóm gọn hơn nữa khi trả lời vắn tắt cho câu hỏi “CNXH là gì?”: CNXH là phát triển. CNXH là nhân văn. CNXH là dân chủ. Đạt được những tốt đẹp ấy mới là XHCN, chứ không phải đặt tên XHCN là đã tốt đẹp. Nhân văn cao cũng là phát triển. Dân chủ cao cũng là phát triển. Vì vậy, có thể nói “CNXH - là phát triển”.

Tôi nghĩ, có một cách phân chia thế giới nữa, không phải theo hình thái kinh tế - xã hội, mà theo trình độ phát triển, đó là: các nước phát triển cao, các nước phát triển, các nước đang phát triển và các nước chưa phát triển. Ở đây, từ phát triển được hiểu theo nghĩa toàn diện. Những nước phát triển cao ấy mới chính là, sẽ là XHCN. Thế giới hiện nay mới có ba loại, nước ta ở vào loại thứ hai từ dưới lên, còn loại phát triển cao nhất (XHCN) thì chưa có.

Còn tiếp…

TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.