Thực tế trên được chia sẻ tại buổi giám sát của thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM với UBND TP về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe toàn dân”, chiều 6/11.

Tại đây, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương bày tỏ trăn trở về các giải pháp giữ chân nhân viên y tế tại cơ sở. Bác sĩ Tuyết cho hay TP đã có sự quan tâm nhưng các giải pháp thu hút nhân viên y tế về cơ sở đang mang tính tạm thời. Về lâu dài, một mình ngành y tế không thể làm được mà cần sự hỗ trợ hơn nữa của UBND TP. 

Bác sĩ Tuyết dẫn chứng trong 10 năm qua, bà và các đồng nghiệp miệt mài hằng tuần xuống khám sản phụ khoa cho huyện Cần Giờ, tổ chức đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, cứ đào tạo xong bác sĩ lại bỏ việc, khiến cho địa phương này đến nay không còn nhân sự.

“Giống như bắt cóc bỏ dĩa”, bác sĩ Tuyết nói.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương thẳng thắn chia sẻ hầu hết các bác sĩ trẻ khi ra trường mong muốn được về các bệnh viện tuyến trung ương hoặc chuyên khoa hơn là về trạm y tế. Ngoài lý do thu nhập ổn định, bác sĩ trẻ còn có cơ hội học tập nâng cao tay nghề - điều chưa được quan tâm ở y tế cơ sở.

“Cùng học một lớp ở đại học y khoa nhưng sau 10 năm, bác sĩ ở bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện hạng 1 có thể trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ còn ở y tế cơ sở vẫn mãi là bác sĩ. Họ không có chính sách để được đào tạo sau đại học hay cơ hội đạt danh hiệu như Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân”, bác sĩ Tuyết nói.

bac si tuyet.jpg
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trong hội nghị chiều 6/11. Ảnh: PT.

Từ đó, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị bên cạnh chính sách thu hút, TP.HCM cần có chính sách giữ chân nguồn nhân lực bằng việc bố trí một phần ngân sách hỗ trợ sớm nhân viên y tế cơ sở. Từ đó, động viên họ bám trụ với địa phương và giúp người dân được nhiều hơn.

Thứ hai, cần phải có chính sách rõ ràng về đào tạo cho nhân viên y tế cơ sở. Ví dụ, cần quy định ít nhất một năm bác sĩ ở trạm y tế được đào tạo ngắn hạn như thế nào, bao nhiêu năm sẽ được đào tạo sau đại học. Việc này phải minh bạch rõ ràng để bác sĩ vững tin với lựa chọn của mình.

Thứ ba, cần tạo điều kiện để bác sĩ tuyến cơ sở có cơ hội đạt các danh hiệu, thành tích. Thực tế, bác sĩ ở trạm y tế rất khó để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học so với ở bệnh viện tuyến cuối do không có kiến thức, không có người hỗ trợ, thiếu kinh phí…

Ngoài ra, bác sĩ Tuyết cũng đề xuất Bảo hiểm y tế cần phủ khắp các trạm y tế trong thành phố, giúp người dân bớt khó khăn hơn khi chuyển tuyến; cần đầu tư hơn trong lĩnh vực chuyển đổi số, thống nhất trong các phần mềm...

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP cho biết qua giám sát, nhận thấy nhiều thiết bị và cơ sở vật chất tại trạm y tế lạc hậu, cũ kỹ, máy siêu âm trắng đen của 20 năm trước, máy điện tim thế hệ quá cũ.

Một số nơi thiếu trưởng trạm trong thời gian dài, hoặc bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, có trạm y tế đặt trong tầng hầm chung cư cũ, hoặc trạm dột nát, phải sử dụng nhà dân, chưa có đất xây dựng…

“Với thực trạng này, khó có thể thu hút được người dân đến khám tại trạm y tế”, ông Bình nói.

hoi nghi.jpg
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình nâng cao năng lực y tế cơ sở. Ảnh: GL.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị TP cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, nhất là đối với các đơn vị khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất.

Ngoài ra, cần có chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế phù hợp với đặc điểm của TP.HCM. Có chính sách về đào tạo cho nhân viên y tế cơ sở nhằm đảm bảo cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa các đơn vị tuyến cơ sở và tuyến trên. Đào tạo liên tục và đào tạo theo nhu cầu công việc cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở, nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế đang công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế.

Đồng thời, có chính sách giải quyết vấn đề nhà ở công vụ cho nhân viên y tế đi hỗ trợ luân phiên tại các vùng xa; hỗ trợ kinh phí đào tạo thực hành cho các bệnh viện hỗ trợ đào tạo ở những khóa tiếp theo.

Hơn 1.000 nhân viên y tế tuyến quận huyện ở TP.HCM nghỉ việc

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2021 đến nay, TP có 688 viên chức tại bệnh viện quận huyện và 366 viên chức tại các trung tâm y tế thôi việc. Báo cáo của các đơn vị cho thấy lý do nghỉ việc của nhân viên y tế chủ yếu do áp lực công việc, không đảm bảo sức khỏe, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19; mức thu nhập thấp, nhà xa hoặc chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

Lương bác sĩ trẻ không đủ sốngTheo lãnh đạo các bệnh viện tại TP.HCM, đào tạo được một bác sĩ đòi hỏi thời gian rất dài và tốn kém. Tuy nhiên, mức lương khởi điểm của bác sĩ lại quá thấp, không đủ trang trải cho nhu cầu cuộc sống.