Sau ít phút chúc tụng, thăm hỏi xã giao, Chánh văn phòng nói với vợ sếp: "Cơ quan em có cái lệ là bất cứ ai được đề bạt, lên lương, được đi nước ngoài, mua được xe ô-tô mới, hoặc có nhà mới... đều phải làm một cái lễ rửa. Thí dụ, lễ rửa nhà, lễ rửa ô-tô, lễ rửa ghế (lên chức)…. Chị là vợ của sếp chúng em, chị được cắt “Q” và tiến bộ như thế là có phần công lao của anh. Vì thế, tuy là con dâu nhưng chị cũng phải tuân theo luật lệ của cơ quan chồng. Đề nghị chị cũng phải làm một cái lễ rửa nhân việc chị được cắt “Q”. Anh ta tế nhị, cố ý nói chệch đi thành "cắt quy". Mọi người được một trận cười vui. Thấy cơ quan chồng, mọi người sống với nhau thoải mái, chân tình và bình đẳng đến thế, vợ sếp cảm động lắm.
Trước ý kiến của Chánh văn phòng, sếp bèn đỡ lời vợ: "Chẳng mấy khi có dịp vui như thế này, vì thế vợ chồng mình xin tuân theo luật của cơ quan, làm cái lễ rửa nho nhỏ để mời các bạn chia vui. Thế là họ kéo nhau lên xe, tới một nhà hàng đặc sản vào loại sang trọng bậc nhất của thành phố. Tại đó, trong một phòng VIP có máy lạnh ở tầng 2 đã diễn ra một bữa tiệc hết sức thịnh soạn. Hóa ra, bữa tiệc này đã được các đệ tử của sếp đặt nhà hàng từ trước.
Khi sắp tan tiệc, sếp "diễn" rất khéo. Ông rút ví và gọi phục vụ bàn đến tính tiền. Chánh văn phòng bèn chặn tay sếp lại và nói rất dứt khoát: "cái gì cũng phải có sự phân công rõ ràng, trách nhiệm của sếp hôm nay là chủ trì, còn trách nhiệm của tụi em là chủ chi". Cô Kế toán trưởng nói xen vào: "xin sếp đừng tước đi cái quyền đó của chúng em". Sếp biết mình có "cố" cũng không được, nên đành "chịu thua" nhưng trong lòng sếp vui lắm. Với thái độ ứng xử và cách giao tiếp của các đệ tử hôm nay, ông đã quyết định sẽ cho mỗi đứa một điểm 10.
Các đệ tử bảo họ chủ chi. Vậy, họ bỏ tiền túi của mình ra ư? Không. Mọi chi phí từ A đến Z của cuộc vui hôm nay (kể cả phong bì tiền mừng vợ sếp) sẽ được cô Kế toán trưởng phù phép đưa vào danh mục chi: "Lãnh đạo cơ quan tiếp khách".
Không đến nỗi như một số người thường nghĩ là trong thời buổi kinh tế thị trường này, mặt tích cực và tiêu cực, mặt phải và mặt trái, mặt trắng và mặt đen cứ lộn tùng phèo cả lên. Song, vấn đề đặt ra là phải giữ vững kỷ cương, pháp luật, phải có cơ chế quản lý tài chính và quản lý cán bộ sao cho thật chặt chẽ. Nếu không thì tiền của Nhà nước sẽ trở thành "của chùa" để cho một số kẻ lợi dụng, đục khoét và đội ngũ cán bộ sẽ tha hóa, biến chất./.