Quà Tết cho hai bên nội ngoại chỉ ít bánh kẹo kèm ít tiền mừng tuổi, riêng quà cuối năm cho bác giúp việc, vợ chồng anh Hải phải "đau đầu nát óc" suy nghĩ. Bên cạnh tháng lương 13, cuối cùng anh chị quyết định… sắm vàng “mừng tuổi” ô sin.

“Nặng” hơn quà biếu sếp

Quà cáp cho các mối quan hệ trong công việc và anh em họ hàng dịp Tết, anh Hoàng Mạnh Hải, ở Q.4 đã chuẩn bị từ lâu. Nhưng đến giờ phút sát Tết, anh Hải vẫn đau đầu chưa chốt xong quà biếu cho bác Dần - người giúp việc gắn bó với gia đình anh hai năm nay. Ngoài tháng lương 13 như năm ngoái, vợ anh còn mua thêm nhiều quà cáp như bánh kẹo, rượu, quần áo cho 3 người con và 7 đứa cháu ở quê giúp việc.

Vẫn chưa an lòng, ngoài tiền thưởng, vợ chồng anh vẫn muốn chọn quà mừng tuổi có giá trị để bác Dần yên tâm làm việc cho nhà mình. Bác Dần chịu khó lại khéo chăm trẻ, rất nhiều hàng xóm ở khu chung cư “dòm ngó”.

Thấy quà gì cũng không ổn, cuối cùng hai vợ chồng anh Hải quyết định cắt từ tiền tích lũy, mua dây chuyền nửa cây vàng mừng tuổi bác. “Hơi đau ví nhưng cũng xứng đáng. Không có bác ấy quản 3 đứa con nghịch như quỷ mà đến ông bà nội ngoại đều đầu hàng thì vợ chồng tôi điêu đứng không làm việc nổi”, anh Hải nói.

Anh Hải biếu vậy nghe có vẻ “sang” nhưng chưa ăn thua so với anh đồng nghiệp bên khu Phú Mỹ Hưng. Quà Tết cho giúp việc là hai tháng lương (16 triệu) kèm chiếc xe tay ga tặng cậu con trai bác đang học cao đẳng.

Còn một đại gia nhà đất ở Q.7 “sở hữu” đến 3 người giúp việc trong gia đình. Năm ngoái, vị đại gia này mừng Tết mỗi người 1 cây vàng kèm nhiều quà cáp. Năm nay, ông không tiết lộ con số chính thức mà chỉ cười: “Lương thưởng cho nhân viên ngày càng giảm nhưng cho giúp việc chỉ theo chiều đi lên”.

Tết nhất tốn kém, chị Nguyễn Thị Vân ở P.3, Q. Bình Thạnh phải cân nhắc từng khoản chi tiêu. Nhưng riêng quà cho bác giúp việc thì chẳng có đường nào cắt mà cứ phải năm nay cao hơn năm trước. Thưởng thêm một tháng lương là hiển nhiên, cặp vé khứ hồi cho bác về quê ở Nam Định gần 8 triệu đồng.

“Giúp việc nhà tôi rất sành, toàn xài đồ xịn. Đưa bác đi chọn áo dài, phải hàng có thương hiệu cơ, lại chọn luôn bộ… 2 triệu đồng, rồi trang sức đi kèm nữa. Tiền thưởng Tết của tôi là “sang” hết cho giúp việc”, chị Vân cho hay. Biếu quà để an lòng mà nhà chị vẫn lo lắng vì sợ ra năm bác không chịu vào làm giữa thì nhà chị điêu đứng.

Chị Vân phải thốt lên rằng, trong khi quà Tết cho sếp ngày càng đơn giản thì quà cho giúp việc này càng “nặng”. “Nói thật tình sếp chỉ quyết định công việc của mình thôi, còn giúp việc có kinh nghiệm, người ta quyết định cả gia đình”.

Người giúp việc nắm quyền "gia chủ"

Gia đình đã từng liêu xiêu khi người giúp việc đột xuất nghỉ việc đến mức chị Ngọc Oanh, ở Q.2 phải bỏ việc ở nhà trông con. Sau 3 lần đổi người, giờ gia đình chị mới gặp được người vừa ý vậy nên vợ chồng chị đặt tôn chỉ giúp việc là trên hết. Vợ chồng có thể ăn cơm canh rau qua bữa nhưng giúp việc phải có đồ ăn ngon, xài đồ tốt.

Chị Oanh kể lể: “Vợ chồng nhà tôi ngoan với bác giúp việc hơn cả bố mẹ. Một thưa hai dạ suốt ngày, ai đến chơi cứ nhầm giúp việc là bà mẹ chồng… khó tính”.

{keywords}
Người giúp việc nắm "quyền sinh quyền sát" trong nhiều gia đình ở thành phố, đặc biệt những nhà có con nhỏ (Ảnh: Hoài Nam)

Ngoài khoản quà Tết không nhỏ, để người giúp việc ăn Tết xong còn trở lại, chị Oanh đã phải “nghiến răng” thông báo ra năm tăng lương cho dù bản thân chị bị giảm thu nhập do công ty làm ăn khó khăn.

Với gia đình chị, không có nỗi sợ nào bằng ô sin đột ngột nghỉ việc, mà chỉ cần phật lòng họ nghỉ lúc nào không hay. Vậy nên, vừa làm mọi cách giữ chân người hiện tại, vợ chồng chị Oanh vẫn thường xuyên phải “dò” người mới như một phương án “đề phòng”.

Cuối năm và đầu năm các gia đình ở thành phố thường bấn loạn tình cảnh oái oăm khi ô sin bất ngờ nghỉ việc hoặc tìm không ra người làm. Các trung tâm giới thiệu giúp việc nhà cũng “căng mình” khi cung không đủ cầu.

Anh Nguyễn Ngọc Diện, quản lý Trung tâm giới thiệu việc T.D cho hay, trung tâm không đủ người để đáp ứng nhu cầu tìm người giúp việc của các gia đình. Chỉ hai tuần cuối năm, trung tâm nhận trên 100 khách hàng đăng ký tìm người và chắc chắn ra Tết còn nhiều nữa. Số lượng người giúp việc đáp ứng được chưa đến một nửa.

Anh Diện thừa nhận, càng ngày giúp việc đang trở thành một công việc chuyên nghiệp, họ chẳng những sống bằng lương mà còn sống bằng thưởng như mọi ngành nghề khác.

Cuộc sống bộn bề, áp lực bên ngoài xã hội và công việc nặng nề nên nhiều ông bố bà mẹ ở thành phố “khoán trắng” mọi việc chăm sóc nhà cửa, con cái, cha mẹ già vào tay người giúp việc. Chính vì lẽ đó, người giúp việc, đặc biệt những người có kinh nghiệm cũng "quyền hành đầy mình" đối với nhiều gia đình.

Theo Dân Trí