- “Thời buổi bây giờ ai còn mừng tuổi 10, 20 nghìn đồng nữa. Mừng tuổi ít không được cảm ơn, có khi lại bị chửi cho là đồ keo kiệt”.
Càng gần tết, mọi người trong cơ quan tôi lại càng xôn xao lo chuyện đổi tiền để tết lì xì. Nhưng khác với mọi năm, năm nay hầu hết ai cũng đổi tiền chẵn để lấy những tờ tiền 100, 200 nghìn. Họa hoằn lắm mới thấy có người đổi lấy tiền 50 nghìn, thay vì 5 hay 10 nghìn như trước.
Hỏi ra người nào cũng bảo thời buổi bây giờ ai còn mừng tuổi 10, 20 nghìn đồng nữa. Mừng tuổi ít không được cảm ơn, có khi lại bị chửi cho là đồ keo kiệt.
Chị đồng nghiệp thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, liền cười cười giải thích và chứng minh bằng chính câu chuyện của chị xảy ra tết năm trước. Khi chị đến nhà một người bạn chơi, rút bao lì xì đã chuẩn bị sẵn ra mừng tuổi cho con của chị bạn. Cậu nhóc ấy rối rít nói cảm ơn rồi mặt hớn hở chạy vào trong phòng, chị nghĩ bụng chắc vui quá nên chạy tìm ai để khoe.
“Ngờ đâu chưa đầy 1 phút sau, cậu nhóc ấy đi ra với vẻ mặt khác hoàn toàn lúc trước. Mặt phụng phịu nó nhét bao lì xì vừa được chị mừng vào tay mẹ rồi buông câu “có 20 nghìn bọ, cho mẹ này” rồi bỏ đi chơi. Đang lúc khách nhà bạn chị đến chơi đông, thật lòng chị chỉ ước có cái kẽ nẻ mà chui cho đỡ xấu hổ”.
Nghe chị kể mà tôi chỉ biết cười xòa tỏ vẻ thông cảm. Một đứa sinh viên mới ra trường như tôi, đã lâu không còn được nhận tiền lì xì và cũng chưa phải lì xì ai giờ mới hiểu ra rằng: hóa ra tiền mừng tuổi bây giờ nó không còn mang ý nghĩa như ngày trước nữa. Không cần biết tấm lòng người mừng tuổi ra sao, hay ý nghĩa lấy hên là thế nào mà có lẽ nó nằm ở sức nặng, càng nhiều càng tốt.
Trước nay tôi vẫn cứ nghĩ, lì xì là một phong tục đẹp của nước ta trong dịp tết cổ truyền. Không quan trọng số tiền ấy là bao nhiêu, là nhiều hay ít, miễn sao người lì xì có tấm lòng. Nhưng nghe các chị kể chuyện, tôi mới thấy suy nghĩ của mình thật quá đơn giản.
Thời cuộc hiện đại, tục lì xì đang dần bị thương mai hóa và có mục đích kinh tế rõ ràng. Thậm chí nhiều người còn biến việc lì xì thành cách “hối lộ” đường đường chính chính. Nhân viên mừng tuổi sếp, bố mẹ và cả con sếp. Các phụ huynh thì mừng tuổi giáo viên của con… Nói cách khác, lì xì ngày tết đã biến thành văn hóa “phong bì” để người ta đạt được mục đích của mình. Thói thực dụng ấy có lẽ đã phổ biến đến mức, từ người lớn đã nhiễm dần vào đầu óc non nớt của những đứa trẻ.
Chi đồng nghiệp của tôi kể rằng, đứa cháu chị mới 3 tuổi nhưng đã dõng dạc nói với cả nhà: “Ai mừng tuổi con nhiều thì người đó yêu quý con nhất và con cũng sẽ quý người đó nhất” hoặc cho nhiều thì vui vẻ nhận, ít thì lập tức tỏ thái độ.
Hay như nhiều nhà lại nghĩ lì xì giống như việc vay trả, ai mừng con mình bao nhiêu thì cũng mừng trả lại con nhà họ bấy nhiêu. Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ đi chơi đâu cũng phải lôi cho bằng hết mấy đứa con của mình đi để nhận tiền lì xì cho khỏi phí.
Vấn đề lì xì ngày tết năm nào cũng được đưa ra bàn luận trên các diễn đàn, mặt báo. Thế nhưng, một điều không thể phủ nhận là càng ngày, tục lì xì tết càng mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Không ít người cảm thấy đau đầu, khó xử chỉ vì lo tiền tết lì xì. Bởi mừng ít người ta khinh, mừng nhiều…cháy túi.
Thiết nghĩ người lớn chúng ta cần phải nhìn nhận lại mình, phải chăng chính chúng ta cũng đang vô tình làm biến tướng ý nghĩa của tục lì xì tết ấy?
Thảo Nhi