Thông tin trên được PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ với VietNamNet tại Hội nghị Khoa học kỷ niệm 43 năm thành lập bệnh viện.
PGS Doanh cho biết Bệnh viện Da liễu Trung ương đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhân vảy nến, loại bệnh da mạn tính thường gặp, cần kiểm soát, điều trị suốt đời. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là xuất hiện các mảng đỏ trên da, bong vảy khô, màu trắng hoặc đục, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, nhưng thường gặp ở trên thân mình, tay chân, da đầu,… Đây là những vùng da thường xuyên bị cọ sát.
Khoảng 20-30% bệnh nhân vảy nến ở thể vừa, nặng, cần phải can thiệp thường xuyên, dùng thuốc sinh học toàn thân.
Trong năm 2024, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã khám và điều tra dịch tễ bệnh tại 7 tỉnh, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho 12 tỉnh. Đến nay, tổng cộng có 21 phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến được thành lập tại 20 tỉnh/thành.
Nhờ thành lập các phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến ngay tại địa phương, nhiều bệnh nhân thay vì hằng tháng phải lên Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) tiêm thuốc nay đã được chuyển về bệnh viện ở tỉnh quản lý. Việc các địa phương (tỉnh, huyện) chủ động thu dung giúp người bệnh vừa tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại vừa tăng hiệu quả điều trị.
Theo bác sĩ Doanh, hoạt động này không những tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh mà còn hỗ trợ chuyên ngành da liễu tuyến tỉnh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, có thêm dữ liệu về bệnh, từ đó tự tin nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Doanh phân tích, trong bệnh vảy nến có các thuốc như methotrexate, acitretin… trước đây chỉ được dùng ở bệnh viện tuyến trung ương hoặc bệnh viện hạng 1, 2. Đặc biệt các thuốc sinh học chỉ được dùng ở bệnh viện hạng 1, 2. Nay theo Thông tư 37/2024 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ năm 2025), thuốc này được dùng tại các cơ sở đủ điều kiện, bất kể ở cấp ban đầu, cơ bản hay chuyên sâu.
Ví dụ, Trung tâm Da liễu Đắk Lắk là cơ sở y tế trước đây được xếp hạng III, dù có đủ bác sĩ chuyên môn nhưng do phân tuyến, phân hạng trong chỉ định thuốc nên bác sĩ không được dùng thuốc ngoài danh mục cho bệnh nhân. Từ khi mở phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến, bỏ phân tuyến thuốc, thầy thuốc tại trung tâm này lên danh mục theo nhu cầu, mua, cung ứng thuốc đó cho bệnh nhân ngay tại địa phương.
Không ít bệnh nhân vảy nến phải tiêm thuốc sinh học, có trường hợp mỗi tháng phải tiêm 1-2 lần, chi phí rất đắt, từ 10-40 triệu đồng (được BHYT chi trả theo các mức tỷ lệ tùy từng thuốc). Nay, các thuốc này có thể được dùng ngay tại địa phương, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Trong năm 2025, Bệnh viện Da liễu Trung ương tập trung phát triển chuyên sâu các kỹ thuật điều trị; củng cố mạng lưới da liễu toàn quốc. Cùng đó, bệnh viện tiếp tục triển khai các phòng khám chuyên đề, chuyên sâu ở các bệnh viện và địa phương có nhu cầu, trong đó có mô hình phòng khám quản lý bệnh lây truyền qua đường tình dục (như sùi mào gà, giang mai, lậu...).
"Nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng do thiếu thông tin về cơ sở khám chữa bệnh, e ngại vấn đề tế nhị nên thường đến các cơ sở tư nhân không uy tín, gây nhiều biến chứng, tốn rất nhiều tiền. Chúng tôi mong muốn làm sao để người mắc nhóm bệnh này dễ dàng tiếp cận hơn ở các cơ sở y tế công lập khắp các cấp chuyên môn (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu)", bác sĩ Doanh cho biết.