Cơ hội đào tạo cán bộ giỏi cho ngành TT&TT
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7 của các cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT vừa được tổ chức ngày 28/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm.
Theo kết quả rà soát của Vụ Pháp chế, 45/179 văn bản do Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành quý II/2023 có các nội dung liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, có 13 văn bản trực tiếp giao nhiệm vụ và 6 văn bản quy định nội dung Bộ cần lưu ý trong quá trình triển khai, thực hiện.
Một nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT là chủ trì đàm phán Chương Kinh tế số trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Từ nay đến cuối năm 2023, còn 18/23 đề án chiếm 78,3% trên tổng số đề án cần phải trình Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các cán bộ chủ chốt phải cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ và cần tập trung làm cho đến ra kết quả. Trường hợp thấy khó khăn thì cần báo cáo lãnh đạo Bộ để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện.
“Với những nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được giao thì bắt buộc phải điều chỉnh công việc để thực hiện. Người đứng đầu các đơn vị phải chú ý, nghĩ kỹ khi nhận việc”, Bộ trưởng nhắc nhở.
Về nhiệm vụ đàm phán chương Kinh tế số trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) mới được giao, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, cần coi đây là một cơ hội để tri thức của ngành phát triển. Bộ trưởng dẫn chứng, từ việc đàm phán WTO về viễn thông trước đây, đã tạo ra đội ngũ cán bộ, về sau này trở thành đội ngũ lãnh đạo của ngành.
Tạo ra những kết quả thiết thực cho ngành, đất nước
Với vai trò cơ quan dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã biệt phái nhiều cán bộ về các ngành, địa phương làm hạt nhân thực hiện chuyển đổi số cho các tỉnh, cơ quan. Ở chiều ngược lại, các nhân sự biệt phái cũng là một kênh giúp Bộ TT&TT nắm bắt được tình hình thực tế, các vấn đề vướng mắc, điểm “nghẽn” trong triển khai các lĩnh vực của ngành tại địa phương.
Tại Hội nghị, ông Đặng Tùng Anh, cán bộ của Cục Chuyển đổi số đang được Bộ TT&TT biệt phái về làm Phó Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình đã nêu ra 3 vấn đề của địa phương, đó là: Các nội dung báo cáo về Bộ đang nhiều và có một số trùng lặp; các cán bộ của các sở TT&TT hạn chế về số lượng, khối lượng công việc lớn, nhiều việc mới và khó nên công tác tham mưu còn hạn chế; nhiều chỉ tiêu trong các nhiệm vụ của Chính phủ, bộ, ngành cần thực hiện liên quan đến lĩnh vực TT&TT vì vậy các sở TT&TT gặp nhiều khó khăn trong triển khai.
Giải đáp trực tiếp những vấn đề ông Đặng Tùng Anh nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định phải cải cách việc báo cáo theo 3 nguyên tắc: Báo cáo chủ yếu là điền số liệu; báo cáo định kỳ là chính, báo cáo đột xuất không quá 10% báo cáo định kỳ; một báo cáo nhưng cập nhật tất cả nhiệm vụ về các lĩnh vực của Bộ. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo thực hiện việc cải cách công tác báo cáo, áp dụng từ tháng 9/2023.
Để hỗ trợ cho chuyên viên tại các sở TT&TT và việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại địa phương, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng cần xây dựng cẩm nang. Trong đó, cẩm nang công việc giúp cho cán bộ ở sở biết cần làm gì và cẩm nang phát triển hỗ trợ địa phương trong triển khai các hành động để đạt được những chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra với ngành, lĩnh vực. Các cẩm nang này sẽ được Bộ TT&TT chủ trì xây dựng, có sự tham gia của các sở.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh việc phải tạo ra những kết quả thiết thực. Nhận thức cũ về quản lý nhà nước là chỉ cần ra được các văn bản quy phạm pháp luật. Còn nhận thức mới là: Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước là phát triển bền vững. Do đó, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thì cần có thêm một số hoạt động để các văn bản đó có thể phát huy hiệu quả và tạo ra kết quả cuối cùng, tạo ra sự phát triển.
Dẫn chứng một số trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của ngành ban hành ra nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, Bộ trưởng chỉ rõ: Luật, nghị định, thông tư, văn bản không phải là sản phẩm cuối cùng, cần coi là sản phẩm trung gian để làm tiếp. Sản phẩm cuối cùng của lĩnh vực là sự phát triển bền vững. Bộ trưởng cũng lưu ý các cục, vụ của Bộ TT&TT khi đưa chính sách phải nghĩ đến công cụ kỹ thuật để quản lý và thực thi.
Khẳng định quan điểm muốn quản lý được thì phải đo lường được, Bộ trưởng lưu ý thêm điều kiện để đo lường là số liệu phải là số thật, và việc đo lường được thực hiện trên môi trường số. Tất cả những gì đã lên môi trường số thì phải kết nối online với cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh việc nhắc nhở các đơn vị về lựa chọn nhiệm vụ lớn đến năm 2025, người đứng đầu ngành TT&TT cũng chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Bộ một số nội dung như: Cần học tập kinh nghiệm quốc tế khi làm luật, xây dựng thể chế; Phải có tinh thần học hỏi, không ngại nhận mình không biết… Đặc biệt, các đơn vị phải coi việc xây dựng hệ tri thức của tổ chức là nhiệm vụ lớn, là nhiệm vụ quan trọng số một, phải tập trung thực hiện để đơn vị phát triển lâu bền.
Trong chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh một số việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục xử lý SIM rác, kiểm soát việc đưa SIM mới ra thị trường, tính đến phương án dừng việc cung cấp SIM qua đại lý; Nghiên cứu giải pháp để phổ cập mỗi người dân có 1 chữ ký số; Triển khai kế hoạch đưa Bộ TT&TT thành Bộ mẫu về chuyển đổi số; Công bố số liệu thực về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về viễn thông của Việt Nam đạt mức top 50 thế giới; Hoàn thành định mức, đơn giá đặt hàng các cơ quan báo chí… |