Mục tiêu của Bộ Thông tin & Truyền thông trong cải cách hành chính năm 2018. Ảnh minh họa từ Internet

Mục tiêu của Bộ Thông tin & Truyền thông trong cải cách hành chính năm 2018 này đã chỉ rõ: Đảm bảo hoàn thành tối thiểu 90% chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ; tối thiểu 80% văn bản QPPL thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ được kiểm tra; 100% văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận và dễ thực hiện. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính của Bộ được ban hành đúng quy định về thẩm quyền, được công bố công khai cập nhật kịp thời, đúng quy định, tối thiểu 95% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ; Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; Triển khai hiệu quả Kiến trúc Bộ Thông tin và Truyền thông điện tử, rà soát và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với cách thủ tục hành chính có số lượng phát sinh hàng năm lớn.

Bộ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, bố trí đầy đủ nguồn lực (nhân lực và kinh phí) cho việc thực hiện CCHC của Bộ. Đồng thời, Bộ cũng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức trong Bộ đối với nhiệm vụ CCHC.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”. Theo nghiên cứu của CIEM được công bố tại hội thảo, sau một năm, Bộ Thông tin và Truyền thông là một trong những Bộ có tỷ lệ điều kiện kinh doanh bị cắt giảm nhiều nhất, cụ thể là đã cắt giảm 116 điều kiện, chiếm tỷ lệ 46% (Bộ Xây dựng - cắt giảm 158 điều kiện, chiếm 73,5%; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch - cắt giảm 61 điều kiện, chiếm 51%...).

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM, trong 4 Bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, thì có khoảng 30% số quy định kinh doanh đã được cắt bỏ, sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Riêng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông có 4 nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh được ban hành, trong đó 1 nghị định sửa nhiều nghị định và 3 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh.

“Tôi rất chú ý với Bộ Thông tin và Truyền Thông bởi vì tôi đọc dự thảo 1 nghị định sửa nhiều nghị định trình Chính phủ và Bộ Tư pháp nó khác hẳn so với Nghị định được ban hành. Điều này cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp thu rất nhiều ý kiến góp ý. Tôi rất ấn tượng với Bộ Thông tin và Truyền thông, dù Nghị định vừa được ban hành đầu tháng 11 nhưng đã có rất nhiều thay đổi”, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Thực tế thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo Kế hoạch tổng thể, trong những năm tới, Bộ TT&TT sẽ giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Việc ứng dụng CNTT vào điều hành của Bộ TT&TT đã được triển khai hiệu quả như họp trực tuyến với địa phương, phần mềm quản lý văn bản liên tục cập nhật, nâng cấp tiết kiệm được chi phí rất lớn. Tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng CNTT trong xử lý công việc cao. Trong thời gian qua, công tác CCHC của Bộ TT&TT được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực. Thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/12/2011 của Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020, hàng năm, Bộ TT&TT đều ban hành Kế hoạch CCHC vào Quý IV năm trước liền kề để kịp thời tổ chức triển khai một cách toàn diện, thống nhất trong Bộ.