Phân biệt mức lương cơ bản và mức lương cơ sở
Mức lương cơ bản và mức lương cơ sở là 2 khái niệm khác nhau.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng.
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định của Nghị định 73; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Trong khi đó, mức lương cơ bản không được quy định trong văn bản pháp luật, chỉ là cách gọi của mức lương thấp nhất mà lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.
Lương cơ bản là khái niệm được sử dụng phổ biến cho tất cả các đơn vị sử dụng lao động và người lao động ở khu vực trong và ngoài Nhà nước.
Cách tính mức lương cơ bản từ 1/7/2024
Cách tính lương cơ bản phải dựa vào nhiều yếu tố. Đối với cán bộ, công nhân viên chức thuộc khu vực Nhà nước được áp dụng mức lương cơ sở thì: Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước, mức lương cơ bản được xác định dựa trên mức lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau:
Vùng 1: 4,96 triệu đồng/tháng.
Vùng 2: 4,41 triệu đồng/tháng.
Vùng 3: 3,86 triệu đồng/tháng.
Vùng 4: 3,45 triệu đồng/tháng.
Như vậy, doanh nghiệp thuộc vùng nào thì sẽ tính lương cơ bản dựa vào lương tối thiểu vùng của khu vực đó. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý mức lương cơ bản không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Đối với lao động đã được qua đào tạo nghề, học nghề thì lương cơ bản phải cao hơn ít nhất là 7% mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương đóng bảo hiểm được tính thế nào?
Theo các quy định hiện hành, cách tính mức tiền đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH bắt buộc), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động.
Cụ thể, công thức tính mức tiền đóng BHXH mới nhất là:
Mức tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN hằng tháng | = | Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc | X | Tỷ lệ % đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN |
Trong công thức trên, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Ngoài ra, mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Tỷ lệ % đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN được quy định như sau: Người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 21,5%, tổng cộng tất cả là 32% tiền lương tháng đóng BHXH.
Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận thì được đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn là 0,3%.
Theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:
Nhóm 1, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.
Nhóm 2, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
* Trường hợp tiền lương tháng quy định trên cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, từ 1/7/2024, lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở (2,34 triệu đồng X 20 = 46,8 triệu đồng).