Tiền lương là nguồn thu nhập duy nhất để trang trải cuộc sống của người lao động (NLĐ). Do đó, pháp luật chỉ cho phép người sử dụng lao động (NSDLĐ) khấu trừ lương của NLĐ trong một số trường hợp nhất định.
Khoản 1, điều 101 Bộ Luật Lao động 2012 có nêu: NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo điều 130 của Bộ luật này. Theo đó, khấu trừ lương là việc NSDLĐ trừ bớt một phần tiền lương của NLĐ để bù vào khoản tiền đã chi hoặc đã bị thiệt hại trước đó. Ngoài ra, cũng dễ nhận thấy, NSDLĐ chỉ được khấu trừ lương của NLĐ trong 3 trường hợp quy định tại điều 130.
Pháp luật chỉ cho phép người sử dụng lao động khấu trừ lương của người lao động trong một số trường hợp nhất định |
Cụ thể, NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản; NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao; NLĐ tiêu hao vật tư quá định mức cho phép. Lưu ý, NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
Liên quan đến mức khấu trừ tiền lương, khoản 3, điều 101 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ: Mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Trong đó, mức bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nêu trên như sau:
- Trường hợp do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng: Bồi thường nhiều nhất 3 tháng tiền lương. Lưu ý, theo Nghị định số 90 năm 2019 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng năm 2020: Vùng I, mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II, mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III, mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng IV, mức 3.070.000 đồng/tháng.
- Trường hợp làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép: Bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Lưu ý, nếu do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Trên đây là những thông tin cơ bản về khấu trừ lương. Người lao động nên nắm chắc các nội dung để phòng trường hợp rủi ro xảy ra.
(Theo NLĐ)