Những năm sau khi cô tôi mất, bà thường nhìn thấy cô hiện về vào những ngày trước rằm tháng Bảy. Cô đứng trước cửa buồng bà và nói một câu duy nhất: “Khi nào con cưới, u bán thúng thóc mua cho tấm chiếc áo, u nhé”.

Có những câu chuyện về người đã chết mà đôi khi ta gọi là chuyện ma nhưng sự thật là một điều gì đó mà ta không làm sao giải thích được. Nhưng những câu chuyện ma như thế không làm cho người sống sợ hãi mà lại dựng lên một cây cầu huyền bí và da diết giữa những người còn sống với người đã chết. Câu chuyện về cô ruột tôi là một câu chuyện như thế.

Cô tôi mất năm 16 tuổi. Cô mất trước ngày cưới chỉ có năm ngày. Đó là một ngày mùa đông mưa phùn rét buốt. Cô đi mò hến ngoài sông Đáy về bị cảm lạnh và mất. Ngày đó, làng quê nhà nào cũng đói. Vào những ngày mùa đông thì cơn đói càng khủng khiếp hơn. Người làng tôi tìm mọi thứ có thể ăn được để đi qua cơn đói. Sông Đáy là con sông nhiều hến nhất trong tất cả những con sông chảy qua đồng bằng Bắc bộ. Người làng tôi đã đi qua những ngày đói khủng khiếp bằng hến sông Đáy. Hến nấu cháo ngô, nấu với thân cây chuối, nấu với dọc cây khoai ngứa… nghĩa là nấu được với cây gì củ gì thì nấu để ăn.

Cái chết của cô làm cho bà nội tôi ốm liền mấy tháng trời. Đêm nào bà cũng khóc và hờ tên cô. Bà kể, nhà tôi nghèo quá, từ khi cô sinh ra cho đến lúc mất bà chẳng may được cho cô lấy một tấm áo. Nhưng mấy tháng trước khi cưới, cô năn nỉ bà: “Khi nào con cưới, u bán thúng thóc mua cho tấm chiếc áo, u nhé”. Bà gật đầu hứa với cô mà nước mắt đầm đìa.

Từ ngày đó, bà để dành dụm từng đấu thóc không dám ăn. Thóc chỉ được xay nấu cháo cho ai trong gia đình bị ốm. Hoặc đến ngày giỗ thì xay đấu thóc nấu bát cơm cúng người đã chết. Còn tất cả phải ăn rau, ăn củ ngày ngày. Nhưng bà quyết giữ gìn từng đấu thóc để đến ngày cưới cô sẽ bán đi mua cho cô một tấm áo lành lặn trước khi về làm dâu nhà người. Bà tôi đau đớn vì cô mất mà không đi đến ngày cưới của mình được. Nhưng bà đau đớn hơn và không biết bao giờ có thể nguôi được nỗi đau đó khi cô chết mà không được nhìn thấy tấm áo mà cô ao ước suốt những năm tháng còn sống.

{keywords}

Những năm sau khi cô mất, bà thường nhìn thấy cô hiện về vào những ngày trước rằm tháng Bảy. Cô đứng trước cửa buồng bà. Những ngón tay cô tím tái vì lạnh. Hai tay ôm trước ngực, người cô run lên, nước sông trên mái tóc dày và nặng của cô vẫn nhỏ xuống từng giọt và đọng trên nền đất hiên nhà nơi cô đứng. Bà khóc gọi cô, bà bảo cô vào nhà để bà đốt đống lửa cho cô sưởi nhưng không bao giờ cô bước thêm một bước. Cô chỉ đứng đó và nói với bà một câu duy nhất: “Khi nào con cưới, u bán thúng thóc mua cho tấm chiếc áo, u nhé”. Nói xong cô từ từ bỏ đi. Ngày đó, đúng là người ta không đốt vàng mã như bây giờ. Suốt những năm tháng ấu thơ tôi không một lần nhìn thấy bà hay mẹ đốt vàng mã. Nếu như bây giờ, chắc bà sẽ sắm đầy đủ quần áo cho cô.

Cứ như thế, hàng năm, vào trước ngày rằm tháng Bảy, cô tôi lại hiện về đứng trước cửa buồng bà và xin bà may cho cô một tấm áo mới. Thi thoảng bà cũng nói cho tôi biết cô hiện về. Những lần đầu nghe chuyện đó, tôi sợ vô cùng. Nhưng rồi bao câu chuyện về cô khi còn sống mà bà kể đã tạo thành một sợi dây vô hình mà thiêng liêng nối cô với tôi. Nhiều đêm tôi đòi ngủ với bà để khi nào cô hiện về thì bà gọi tôi dậy để tôi được nhìn thấy cô. Thế nhưng chẳng lần nào tôi được nhìn thấy cô. Có lúc tôi đã khóc dỗi bà vì bà đã không gọi dậy khi cô về. Sau này lớn lên đi học ở thành phố thì tôi lại không tin có chuyện cô hiện về nữa. Tôi hiểu là vì bà  thương nhớ cô quá mà tưởng tượng ra vậy.

Sau nhiều năm bà tôi nhìn thấy cô hiện về và chỉ nói mỗi một câu “Khi nào con cưới, u bán thúng thóc mua cho tấm chiếc áo, u nhé” thì mẹ tôi quyết định may cho cô một tấm áo vải nâu, cổ tròn, cúc bấm và chiết ly. Và vào ngày rằm tháng Bảy năm đó, mẹ tôi đã sắp một mâm cơm cúng cô. Sau khi tàn nén hương, mẹ mang chiếc áo ra cánh đồng và mai táng chiếc áo xuống cạnh mộ cô. Mẹ thắp hương trên mộ cô rồi khấn: “U đau yếu không ra thăm mộ em được, u và chị may cho em chiếc áo mới và mang cho em. Cả nhà mong em siêu thoát”.

Thật lạ lùng là từ rằm tháng Bảy sau đó, bà tôi không thấy cô hiện về đứng trước cửa buồng của bà run rẩy vì đói lạnh. Bà bảo cô đã có áo mới đi chơi với bạn bè rồi nên không về thăm bà nữa. Mấy năm sau bà mất. Tôi cũng lớn lên. Lúc đó tôi hiểu là do mẹ tôi đã may áo cho cô nên bà đỡ đau khổ và ân hận nên không còn tưởng tượng cô hiện về xin áo nữa. Những năm sau này, người ta dùng vàng mã mỗi ngày một nhiều. Vì thế mà cứ đến rằm tháng Bảy mẹ tôi lại mua quần áo vàng mã cho cô.

{keywords}
Hóa vàng.

Một ngày rằm tháng Bảy, tôi về quê. Trong bữa cơm hai mẹ con tôi lại nhắc đến chuyện cô tôi thuở trước và việc cô hiện về xin bà may cho chiếc áo. Tôi đem sự hiểu của mình về việc bà nhìn thấy cô hiện về nói với mẹ. Tôi nghĩ mẹ tôi, một bà giáo, sẽ đồng tình với sự giải thích của tôi. Nhưng nghe tôi giải thích xong, mẹ nói: “Cô con về thật. Bà nhìn thấy cô con về xin áo là có thật”.

Nói xong mẹ kể cho tôi nghe một chi tiết liên quan. Đã hai lần bà gọi mẹ vào khi thấy cô về. Mẹ chạy vội vào buồng bà. Bà nói với mẹ là cô tôi đang đứng trước cửa nhưng mẹ không nhìn thấy gì. Bà gắt: “Em nó đứng kia mà mẹ mày không nhìn thấy à? Người nó ướt hết cả, nước chảy đầy dưới chân đấy”. Lúc đó mẹ mới bình tĩnh nhìn xuống nền đất nơi bậc cửa. Mẹ bàng hoàng nhận ra ở đó có một vũng nước nhỏ và không biết từ đâu vẫn có những giọt nước nhỏ xuống vũng nước. Khi bà bảo cô đi rồi thì mẹ mới dám bước ra phía cửa. Mẹ nhìn thấy trên nền đất hiên nhà có những vết chân ướt đi từ phía vũng nước ra. Từ lúc đó, mẹ hoàn toàn tin cô về thật. Nhưng chỉ có bà mới nhìn được cô. Mẹ bảo vì bà thương cô nhất và đau khổ vì cô nhất nên đã nhìn thấy đứa con gái yêu thương và bất hạnh của mình.

Và một sự thật tôi muốn nói với các bạn rằng: khi bà tôi không nhìn thấy cô nữa và khi tôi tin cô hiện về thật thì từ đó tôi lại thường xuyên gặp cô, đó là trong những giấc mộng. Tôi nhìn thấy cô mặc chiếc áo bà và mẹ tôi may cho cô và lướt qua ngôi nhà. Lúc nào cô tôi cũng nở một nụ cười đằm thắm. Và những lúc như thế, tôi thấy lòng mình xúc động và ấm áp lạ lùng.

Nguyễn Quang Thiều