Số lượng điện thoại thông minh được sử dụng ngày càng nhiều, theo đó xu hướng mua sắm qua điện thoại cũng tăng mạnh.
Tại hội thảo Mobile Ecommerce Day, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP Công nghệ DKT cho biết, di động đã trở thành phương tiện xu thế để truy cập mua sắm, các doanh nghiệp, chủ shop hiện nay sẽ bỏ qua quá nửa khách hàng tiềm năng nếu không biết tận dụng kênh này.
Theo thống kê của Bizweb trên hệ thống hơn 27.000 website khách hàng về tỷ lệ người mua sắm online truy cập vào các trang web bán hàng, có tới 53,8% trong số họ vào bằng điện thoại, tỷ lệ người mua hàng truy cập bằng máy tính bàn đứng thứ hai với 41,3%, còn lại là máy tính bảng. Với di động, Iphone là thiết bị truy cập phổ biến hơn cả (chiếm hơn 30%).
Ông Nguyễn Công Chính, Phụ trách các sản phẩm kinh doanh của Zalo cho biết, chiếc di động với những thiết kế mới hơn, cấu hình tốt hơn, kết nối không dây nhanh hơn,... đã đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của người dùng. Chính vì điều này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh trên di động.
Kết quả khảo sát của Nielsen, Việt Nam thuộc nhóm 4 nước Châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao nhất toàn cầu, trong đó các giao dịch liên quan là mua sắm hàng hóa sản phẩm thông thường, đặt vé xem phim, phòng khách sạn và thanh toán hóa đơn điện tử. 46% người được hỏi cho biết họ đã mua một sản phẩm hoặc dịch vụ bằng thiết bị di động trong 6 tháng qua.
Bùng nổ mua sắm qua điện thoại |
Các chuyên gia nhận định, thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua số lượng đơn hàng được thực hiện trên các thiết bị cố định như máy tính khi các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư vào công cụ mua hàng trên điện thoại di động trong thời gian tới.
Ông Pine Kyaw, giám đốc Shopee Vietnam cho biết, Shopee đặt cược vào thương mại điện tử trên di động. Khởi đầu từ nền tảng di dộng, với các tính năng xã hội như chat và trả giá, được thiết kế ngay từ ban đầu để giúp việc mua và bán trên di động dễ dàng hơn bao giờ hết. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của di động và phát triển các ứng dụng cho kênh này, tuy nhiên, không nhiều đơn vị thật sự tập trung vào định hướng này như Shopee.
Một trong những đặc điểm của thương mại điện tử Việt Nam là chưa có một tên tuổi đủ lớn để dẫn dắt thị trường, các doanh nghiệp vẫn trong quá trình thử nghiệm các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 – 2019, những mô hình phù hợp nhất sẽ được chứng minh, định hướng cho toàn bộ các doanh nghiệp trong cuộc đua thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng, chiếm lĩnh thị phần và tạo ra những quy tắc chung của cuộc đua, phần còn lại sẽ phải chấp nhận hoặc tham gia vào trật tự này hoặc từ bỏ.
“Để không lãng phí hơn một nửa cơ hội khách hàng tiềm năng đến với website qua mobile thì ngoài một nền tảng tốt, các doanh nghiệp cần vạch ra một chiến lược vận hành và khai thác tối đa các cơ hội bán hàng trên các kênh di động, cũng như không ngừng đo lường hiệu quả, tinh chỉnh để tối ưu và gia tăng hiệu suất bán hàng trên di động”, ông Trần Trọng Tuyến cho biết.
Nam Hải