Với sự tăng trưởng kinh tế cùng với thay đổi chính sách đầu tư bất động sản, một số chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào bất động sản. Tuy vậy, khách hàng nên thận trọng chọn những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính cũng như uy tín trên thị trường để tránh “tiền mất tật mang”.
Tranh chấp vì “mua lụi”
Mua nhà đất ở những dự án chưa đóng tiền sử dụng đất, khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro như chưa được xây dựng,không được cấp giấy chủ quyền... |
Năm 2007 - 2008 khi thị trường bất động sản nóng sốt, người mua căn hộ hay dự án đất nền rất ít quan tâm đến việc đọc kỹ hợp đồng dẫn đến việc tranh chấp kiện tụng khi có sự cố xảy ra như chủ đầu tư bỏ trốn, làm sai hợp đồng, chậm giao nhà, đất… Rút kinh nghiệm thương đau của những người đi trước, hiện nay khách hàng đã thận trọng hơn, nhưng thói quen tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký vẫn chưa thật sự được nhiều người quan tâm nên dẫn đến tình trạng tranh chấp tràn lan.
Chẳng hạn, khách hàng “trót” mua đất nền tại dự án Anh Tú Garden đang dở khóc dở cười vì dự án đã hoàn thành cơ sở hạ tầng nhưng không được xây dựng do chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất.
Anh Hải Tâm, một khách hàng mua đất dự án Anh Tú Garden, cho biết: “Tôi mua đất ở đây từ cuối năm 2011 với giá 6,5 triệu đồng/m2, khi đó chủ đầu tư “hứa miệng” sẽ bàn giao nền sau khoảng 2 tháng. Tôi thấy mức giá này cũng phải chăng vì hạ tầng đã làm được khoảng 50%. Tuy nhiên, mấy năm sau tôi vẫn chưa thể xây nhà, may mắn nhờ có người quen “tác động” nên tôi mới lấy lại được tiền chứ nhiều người khác giờ cũng không biết ra sao”.
Chị H, một khách hàng mua căn hộ có thời hạn 50 năm trên đường Cao Thắng nối dài, Q.10, cho biết: “Tôi đã đặt cọc 100 triệu đồng để được hưởng quyền thuê 2 căn hộ có thời hạn 50 năm. Lúc đó môi giới nói dự án này thuê đất bên quốc phòng, có ngân hàng bảo lãnh, chủ đầu tư uy tín, ngoài ra không đưa giấy tờ gì hết vì bảo là hồ sơ quân đội nên giữ bí mật. Khi đến ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền, tôi mới “té ngửa” là dự án này chưa được họ bảo lãnh. Nghi có vấn đề tôi điện thoại cho nhân viên kinh doanh và đòi cung cấp hồ sơ pháp lý, họ chỉ gửi cho tôi một bộ hồ sơ dự án còn các giấy tờ liên quan đến chủ đầu tư thì họ không cung cấp như đã nói trước đó”.
Để tìm hiểu thêm, tôi yêu cầu gửi các giấy tờ liên quan như Văn bản chấp thuận chủ đầu tư, giấy phép xây dựng, hồ sơ quy hoạch được duyệt, bảo lãnh của ngân hàng cũng như văn bản của cơ quan quản lý về việc dự án đủ điều kiện được bán… nhưng không nhận được trả lời.
Quá bức xúc, tôi đến tận văn phòng công ty và yêu cầu cho xem hợp đồng thì lúc đó họ cho xem hợp đồng hợp tác đầu tư với một đơn vị hợp tác đầu tư dự án này (tức họ chỉ là B’) và được biết họ chưa được bộ chủ quản đồng ý cho hợp tác đầu tư, hợp đồng này ký năm 2012, đến nay đã hết hiệu lực. Đến nước này thì tôi không đồng ý ký hợp đồng đặt cọc và đòi lại tiền. Sau nhiều lần tiếp xúc, thậm chí dọa kiện, họ mới đồng ý trả lại tiền”.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Người mua nhà tại các dự án nợ tiền sử dụng đất sẽ bị “treo” giấy chủ quyền, kéo theo hàng loạt rủi ro khác. Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay tình trạng này không hiếm tại TP.HCM, khách hàng cần lưu ý để chọn những chủ đầu tư uy tín.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM tình trạng rao bán căn hộ, đất nền khi dự án vẫn nợ tiền sử dụng đất diễn ra nhan nhản tại nhiều dự như, Lotus Residence (Q.7), dự án 19/9 Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), chung cư Lê Trực (Q.Bình Thạnh)…
Theo luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partners, căn cứ Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, dự án chung cư nợ tiền sử dụng đất thì không được phép bán căn hộ cho khách hàng. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm 3 điều kiện. Trong đó có điều kiện như chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Mua nhà đất ở những dự án chưa đóng tiền sử dụng đất, khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro như không được cấp giấy chủ quyền dẫn đến khó mua bán, cầm cố… Ngoài ra, việc các chủ đầu tư tranh thủ “bán lúa non” để huy động vốn khi chưa nộp tiền sử dụng đất, cũng cho thấy khả năng tài chính đang có vấn đề.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường, để hạn chế rủi ro khi mua nhà, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cho xem sổ đỏ, xem dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, đã đóng tiền sử dụng đất chưa. Bên cạnh đó, cần chọn những doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín để đảm bảo những cam kết về sau.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay các dự án “có vấn đề” về pháp lý thường hút khách bằng độc chiêu khuyến mãi với giá rẻ bất ngờ. Do đó, khách hàng không nên mua căn hộ hay đất nền chỉ vì dự án chào giá quá hấp dẫn để rồi “tiền mất tật mang”.
Theo Người tiêu dùng