Hôm nay (27/9), Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, các đơn vị thủy điện trên địa bàn đã có thông báo về việc vận hành xả nước hồ chứa thủy điện.
Các nhà máy thuỷ điện Nậm Mô (Công ty cổ phần Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An) thông báo, dự kiến tăng lưu lượng xả nước hồ chứa thủy điện từ 8h sáng 27/9. Tổng lưu lượng xả dự kiến khoảng 140-350 m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện).
Công ty CP thuỷ điện Bản Vẽ cũng đã thông báo sẽ vận hành hồ chứa, điều tiết qua đập tràn vào lúc 11h30 trưa nay.
Theo đó, vào lúc 6h sáng, mực nước hồ Bản Vẽ ở cao trình 196,8m (thấp hơn mức nước cao nhất trước lũ 2,2), lưu lượng nước về hồ 970m3/s, lưu lượng nước xả qua tổ máy phát điện là 160m3/s.
Trước đó, nhiều nhà máy thuỷ điện Khe Bố, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Bản Ang… đã có thông báo vận hành điều tiết hồ chứa trong ngày 26, 27/9.
Ghi nhận của PV VietNamNet, trên tuyến QL7A đoạn qua xã Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn) lúc 8h sáng nay, mực nước chảy tràn qua đường kéo dài khoảng hơn 100m, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông qua lại. Ở 2 đầu đoạn đường bị nước chia cắt đều có biển báo, người túc trực hướng dẫn cho các phương tiện qua lại.
Chị Trần Thị Phương trực chốt chia sẻ: “Từ đêm qua đến rạng sáng nay, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to trong nhiều giờ liền. Mực nước từ lúc 6h sáng qua đoạn này dâng cao, nhiều phương tiện ô tô con phải di chuyển chậm”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hồng Thái – Chánh Văn phòng UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, từ đêm qua đến sáng nay mưa to vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn. Nước dâng cao đã khiến nhiều đập tràn bị cô lập ở các xã Tam Hợp, Tam Thái, Nga My, Lượng Minh, Nhôn Mai…
“Hội trường và phòng công an xã Tam Thái đã bị ngập trong nước, trong đó có bản Khồi và bản Xóong đã bị cô lập và học sinh được phép nghỉ học. Chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng tại chỗ túc trực ở 2 đầu cầu, không cho người và phương tiện qua lại”, ông Thái cho hay.
Thông tin từ Huyện đoàn Con Cuông, mưa lớn đã khiến nước dâng cao qua các cầu tràn, nhiều điểm nước chảy xiết và rất mạnh khi cắt qua khe suối. Đoàn xã đang phối hợp với chính quyền địa phương, thôn bản cắm biển. Đồng thời bố trí lực lượng không cho học sinh, phụ huynh bơi qua các khe suối.
Toàn bộ học sinh huyện miền núi được nghỉ học
Sáng nay, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, ảnh hưởng của mưa lớn và các nhà máy thủy điện vận hành xã lũ khiến nhiều địa phương bị ngập cục bộ.
“Toàn bộ học sinh các cấp học trên địa bàn (mầm non, tiểu học, THCS) được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn”, lãnh đạo phòng GD-ĐT cho biết.
Tại huyện Quế Phong, mưa lớn khiến một số tuyến đường ở các địa phương như Quang Phong, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Nậm Nhóong... bị sạt lở, ngập gây chia cắt.
“Học sinh mầm non, tiểu học, THCS ở các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Nậm Giải và một số học sinh mầm non ở xã Châu Kim, thị trấn Kim Sơn được cho nghỉ học...”, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quế Phong Lữ Thanh Hà cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn cục bộ, một số thủy điện như: Thủy điện Sông Quang, Nhạn Hạc, Bản Cốc (đóng ở huyện Quế Phong) tiếp tục vận hành xả lũ. Nhiều địa phương ở vùng hạ du dự kiến tiếp tục bị ngập cục bộ, gây chia cắt.
Tại huyện Thanh Chương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 25/9 đến hôm nay (27/9) trên địa bàn có mưa to, kèm theo lốc khiến một số địa phương bị ngập, gây chia cắt, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại.
Mưa lớn kèm theo lốc tại xã Thanh Hương đã làm 2 mái tôn của nhà dân (rộng khoảng 120m2) bị tốc, một số diện tích hoa màu bị ảnh hưởng. Cầu tràn bản Tân Tiến (xã Ngọc Lâm) và một số tuyến giao thông ở xã Thanh Khê, Hạnh Lâm... bị ngập, gây chia cắt.
Quốc lộ 46 đi qua địa bàn thị trấn Thanh Chương bị ngập lụt cục bộ, khiến việc đi lại của người dân, các phương tiện gặp khó khăn. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương cho biết, mưa lớn đã khiến 5ha thủy sản; gần 17ha ngô, rau màu ở các xã Thanh An, Thanh Thịnh, Thanh Hương, Đại Đồng bị ngập, thiệt hại...
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Thanh Chương đề nghị chính quyền các địa phương ở cơ sở chuẩn bị phương án 4 tại chỗ để chủ động trong công tác phòng chống lụt bão. Các lực lượng biên phòng, dân quân phối hợp với địa phương cắm biển cảnh báo. Đồng thời, túc trực tại các vị trí trọng yếu, không để người dân qua điểm ngập tràn.