Khẩu trang giá "trên trời" bán tràn chợ mạng
1.221 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước đã bị Quản lý thị trường xử lý. Tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá khẩu trang đã kiểm tra, giám sát và xử lý đến nay là gần 3.500 vụ. Với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, thị trường khẩu trang đã dần bình ổn giá tại các cửa hàng, hiệu thuốc.
Tuy nhiên, đáng nói là trong thời điểm dịch Covid-19 tiếp tục tiếp diễn, thì mặt hàng này trên các trang bán hàng online vẫn tiếp tục bị đẩy giá, loạn giá. Đơn cử, trên mạng xã hội Facebook, nhóm Chuyên sỉ, lẻ khẩu trang y tế giá rẻ nhất thị trường với cả trăm nghìn thành viên hoạt động vô cùng sôi nổi.
Cứ vài phút lại có một bài đăng bán khẩu trang giá "trên trời", với hàng chục bình luận hỏi địa chỉ nhận hàng, chốt giá và sẵn sàng chuyển khoản để mua được hàng "hot".
Cả chục hội, nhóm chuyên sỉ lẻ khẩu trang các loại "mọc như nấm sau mưa" trong đợt dịch Covid-19. |
25 - 26 triệu đồng/thùng khẩu trang trên chợ mạng. |
Tại đây, khẩu trang các loại 3-4 lớp đang được rao bán với mức 22 – 26 triệu đồng/thùng (gồm 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc khẩu trang). Trung bình, mỗi hộp khẩu trang có giá từ 400.000 – 500.000 đồng, đắt gấp nhiều lần so với thông thường.
"Tôi đang có 120 thùng, loại khẩu trang 4 lớp, đầy đủ giấy tờ kiểm định chất lượng, hàng để tại kho ở Bắc Giang. Chúng tôi không bán lẻ mà sẽ bán cả 120 thùng. Nếu mua thì chuyển khoản trước 5 triệu đồng giữ hàng", một đầu mối bán khẩu trang trên nhóm sỉ lẻ khẩu trang cho biết.
Đây cũng là những yêu cầu chủ yếu của những giao dịch mua khẩu trang online. Khách cần xác nhận mua cả lô hàng, chuyển khoản đặt mua và nhận hàng. Hình thức vận chuyển phổ biến của các đầu nậu buôn khẩu trang là xe cá nhân, taxi hoặc xe tải nhỏ.
"Khách phải lo xe chuyển hàng, chúng tôi chỉ hỗ trợ 500.000 đồng phí chuyển thôi", một đầu mối ở Hưng Yên trao đổi.
Như thường lệ, các đầu nậu đều vin cớ giá nguyên liệu sản xuất, cộng với giá gốc khi nhập đã tăng cao gấp nhiều lần so với thông thường để phát giá hàng chục triệu đồng một thùng khẩu trang trong thời dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều người còn cảnh báo khách mua nếu "chốt" giá chậm thì có thể sẽ phải mua giá cao hơn ở lần sau, thậm chí, không còn hàng để mua.
Để tăng độ tin cậy cho các bài viết, các đầu nậu thường đăng tải ảnh chụp kho hàng khẩu trang với đủ chủng loại khác nhau trên mạng. |
Nguy cơ lừa đảo từ giao dịch mua khẩu trang online
Lợi dụng lúc khẩu trang đang được quan tâm, đã có những thông tin ảo với mục đích lừa đảo người mua. Ngay chính trên các hội, chợ kinh doanh online, không ít vị khách đăng tải sự việc cay đắng của bản thân khi đã đặt cọc, chuyển khoản mua khẩu trang nhưng không thể liên lạc với người bán sau đó hoặc bị "bùng" đơn hàng.
Cũng trong nhiều ngày qua, nhiều tài khoản Facebook cá nhân đã đồng loạt chia sẻ các thông tin khi rơi vào chiêu trò lừa mua khẩu trang y tế của fanpage Facebook tên: "Khẩu trang 3M VogMark Việt Nam".
Sau khi nhận hàng, nhiều người mua mới tá hỏa khi đơn hàng trị giá 360.000 đồng không phải là khẩu trang mà là những chiếc lá khô. Sau khi có phản ánh của khách, trang bán hàng này đã đóng cửa, không còn đăng tải mua bán nhộn nhịp như trước đó.
Những lời kêu cứu trên các chợ khẩu trang online về tình trạng lừa đảo bán hàng. |
Sau khi khách chuyển tiền đặt cọc mua khẩu trang thì người rao bán "mất hút". |
Thực hư các đăng tải khẩu trang có đủ tin cậy hay không vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ. Nhưng từng có nhiều cá nhân lợi dụng đăng bán khẩu trang lừa đảo đã bị các lực lượng chức năng từng xử phạt, như một lời cảnh báo cho người tiêu dùng cần thận trọng trong giao dịch online.
Theo anh Hoàng Chung, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo online, nhiều đăng tải bán khẩu trang không có thật. Đây thực chất, chỉ là một chiêu trò của người bán hàng online, họ dùng từ khóa đang được quan tâm là "khẩu trang" để ăn theo sự việc, tăng tương tác trên Facebook, Zalo nhằm mục đích bán các mặt hàng khác
"Hầu hết các đăng tải dạng này đều không đề giá khẩu trang, khách mua phải nhắn tin vào Facebook của họ để nhận báo giá. Khi có liên lạc, thì sẽ báo không còn hàng để bán", anh Chung tư vấn cách nhận diện những quảng cáo ảo.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thông báo đường dây nóng tiếp nhận các thông tin tố giác về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật; các thông tin phản ánh về đạo đức công vụ của công chức hành pháp. Số điện thoại đường dây nóng: 1900.888.655 Email: [email protected] Địa chỉ tiếp nhận đơn thư, khiếu nại: Tổng cục Quản lý thị trường – 91 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. |
(Theo Báo Dân sinh)