Anh Trần Trung Kiên (47 tuổi, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) vừa phải mang chiếc Honda CR-V của mình đi sửa vì hai ngày trước xe bỗng rung giật bất thường, động cơ không còn khỏe. Khi mang xe tới gara ô tô của kỹ sư Lê Văn Tạch (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), anh chỉ nghĩ chiếc xe sẽ cần sửa chữa nhỏ chứ không ngờ tới sẽ phải "bổ máy" để trị tận gốc vấn đề kể trên.
Lý do thật bất ngờ, đến từ việc chiếc xe của anh Kiên sử dụng loại bugi kém chất lượng (hàng nhái của thương hiệu NGK). Sau một thời gian sử dụng, chân đánh lửa của một bugi đã rụng ra và rơi vào buồng đốt làm hỏng động cơ.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Kiên cho hay, chiếc Honda CR-V của anh thuộc đời 2018, mua lại từ chủ cũ được hơn một năm. Thời điểm đó, anh đi khám xe thì không phát hiện có lỗi kỹ thuật hay có dấu hiệu đâm dụng hay tai nạn.
"Khi mua xe, gần như 99% người dùng chỉ để ý đến các vấn đề như xe có bị đâm đụng, ngập nước hay không, kiểm tra máy móc còn zin chứ ít ai đi kiểm tra từng cái bugi. Khi xe có vấn đề thì mình mới biết chủ cũ đã thay bugi kém chất lượng và giờ, mình phải gánh hậu quả của việc đó", anh Kiên giãi bày.
Mất hơn 20 triệu đồng vì một chiếc bugi kém chất lượng
Tại gara, kỹ sư Lê Văn Tạch đã kiểm tra và xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng động cơ bị rung giật do công suất của bốn máy không đều, có hiện tượng bỏ máy. Khi tiến hành kiểm tra bugi, vị kỹ sư này nhận thấy sự bất thường là một trong số đó đã không còn chân đánh lửa.
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư Tạch cho biết: "Sau khi chúng tôi thay bốn bugi mới, động cơ vẫn chưa hết rung giật. Khi kiểm tra áp suất nén của động cơ thì thấy áp suất xi lanh số 2 bị mất nên đã quyết định cho mở mặt máy ra kiểm tra. Sau khi mở mặt máy, chúng tôi đã phát hiện một chân van xu-páp xả bị mẻ, lòng xi-lanh có nhiều vết xước".
Vị kỹ sư này nói thêm, cũng may mắn là vấn đề này mới chỉ xảy ra ở một xi-lanh, chủ xe mang xe đến gara sớm nên mọi thứ vẫn chưa quá nghiêm trọng. Nếu cứ cố đi hoặc vấn đề của bugi xảy ra ở thêm hai hoặc ba xi-lanh, điều này có thể khiến động cơ gặp hư hại nặng hơn nữa.
Dù vậy, cái giá mà chủ xe Honda CR-V 2018 đã phải trả để xử lý sự cố này là hơn 20 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với việc mua một bộ bugi chính hãng, chất lượng tốt.
Trên thực tế, kỹ sư Tạch cũng cho rằng việc phân biệt bugi giả, thật không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với người dùng phổ thông. Nếu không quá am hiểu, người dùng có thể bị mua nhầm bugi nhái với số tiền phải trả như mua hàng chính hãng. Vì thế, người dùng nên chọn mua tại những trung tâm sửa chữa có uy tín hoặc tại các cửa hàng bán phụ tùng ô tô chính hãng để yên tâm về chất lượng.
Các dấu hiệu cho thấy đã đến lúc phải thay bugi mới
- Xe tốn nhiên liệu hơn bình thường
- Xe khó đề nổ hoặc không đề nổ được
- Động cơ yếu
- Động cơ rung giật nhiều khi chạy ở chế độ không tải
- Đèn Check Engine bật sáng
Khi nào cần vệ sinh, thay thế bugi mới?
Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, tuổi thọ của bugi tùy thuộc vào từng thương hiệu, chủng loại và điều kiện vận hành cũng như chế độ bảo dưỡng, người dùng nên thay sau khi xe đã đi được 40.000-120.000km. Người dùng cũng nên kiểm tra bugi định kỳ sau mỗi cấp bảo dưỡng lớn, tương đương 40.000km, điều này giúp họ có thể đánh giá được tình trạng của động cơ.
Bên cạnh đó nếu chưa đến hạn kiểm tra định kỳ nhưng thấy động cơ ô tô có các dấu hiệu bất thường thì cũng cần kiểm tra bugi. Vì rất có thể, bugi đã yếu, hết hạn sử dụng và cần thay mới.
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận.Trân trọng mời bạn đọc gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: [email protected]. Xin cảm ơn!