Hàng dỏm chọn Lazada để lừa khách
Anh P.P.K. - trú tại Q.3, TP.HCM - cho biết, ngày 7/8, anh vào cửa hàng Viễn Thông 89 trên Lazada đặt mua điện thoại Oppo Pro 128GB trị giá 3,39 triệu đồng. Do Lazada không cho kiểm tra hàng trước nên anh K. phải trả đủ tiền. Ngay sau đó, anh K. nhận được điện thoại từ người xưng là nhân viên Lazada gọi đến xác nhận đơn hàng. Ngày 8/8, anh K. nhận được hàng, nhưng khi mở sản phẩm, anh thấy sản phẩm bị cắt lớp bao bì, mở máy không lên nguồn, cục sạc không có logo Oppo.
Anh K. phản ánh ngay đến Lazada và được đại diện trang thương mại điện tử này hẹn 5-7 ngày sau, sẽ trả lời. Sau đó, anh K. nhận được tin nhắn cùng email từ Lazada báo đơn hàng bị hủy do bên bán hàng không đóng hàng hoặc hết hàng. Đến ngày 15/8, Lazada gửi email cho anh K., thông báo bên bán hàng không giao hàng theo mã đơn hàng đã đặt, đồng thời cửa hàng này có dấu hiệu giả mạo bên ngoài hệ thống để lừa đảo khách hàng.
“Lazada đề nghị hỗ trợ chi phí để tôi báo công an nhưng tôi không đồng ý. Cửa hàng này đăng bán hàng trên Lazada, nếu họ bán hàng gian, hàng giả thì Lazada phải giải quyết rốt ráo bằng cách phối hợp với công an để hỗ trợ khách hàng chứ không phải đùn đẩy trách nhiệm cho khách hàng. Làm vậy thì ai dám mua hàng qua Lazada nữa” - anh K. bức xúc.
Điện thoại anh K. mua trên Lazada bị cắt lớp bao bì, mở không lên nguồn |
Tương tự, anh H.Đ.L. - ngụ tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - cũng mua trúng hàng dỏm trên Lazada nhưng không được giải quyết. Cụ thể, ngày 6/6, anh L. đặt mua một cục sạc cực nhanh cho điện thoại Oppo với mã đơn hàng 221909973718250. Ngày 7/6, anh L. nhận được hàng nhưng sản phẩm ngưng hoạt động chỉ sau 30 phút sử dụng.
Nhiều lần phản ánh đến Lazada, anh L. nhận được câu trả lời là Lazada không có trách nhiệm với khách hàng sử dụng lỗi, hư, trong khi cửa hàng đăng trên Lazada quảng cáo nếu bị hư, lỗi trong 48 giờ, sẽ trả miễn phí. “Một cục sạc không đáng giá bao nhiêu nhưng rõ ràng, cửa hàng trên Lazada quá thiếu trách nhiệm với khách” - anh L. nói.
Nhiều khách hàng còn cho biết, Lazada đang để cho nhiều cửa hàng quảng cáo xạo, rao giảm giá gần 90% để tăng lượng khách hàng truy cập nhưng thực tế không khuyến mãi, khi khách đặt thì cửa hàng thông báo hết hàng.
Hiện còn có tình trạng giả mạo các trang thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee để rao bán hàng “dỏm” khiến khách hàng không biết đâu mà lần. Chẳng hạn, trang “Voucher Shop TIKI-LAZADA” với hình ảnh đại diện là logo Lazada, tự nhận mình là trang phụ của Lazada, rao bán điện thoại Samsung Galaxy A70 chỉ có giá 3.390.000 đồng, trong khi giá thực của sản phẩm này là 8,5 triệu đồng. Với chiêu rao giảm giá sâu để bán hàng dỏm, không ít khách hàng đã bị lừa.
Ai chịu trách nhiệm?
Với trường hợp anh P.P.K., Lazada cho biết, cửa hàng Viễn Thông 89 đã không giao hàng theo mã đơn hàng đã đặt, có dấu hiệu giả mạo bên ngoài hệ thống để lừa đảo khách hàng. Lazada sẽ đóng cửa gian hàng và phối hợp với người mua chuyển vụ việc tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật. Với trường hợp có nghi vấn hay được phản ánh gian hàng trên Lazada bán hàng giả, hàng cấm, Lazada sẽ tạm khóa gian hàng để điều tra, tổng hợp lịch sử mua bán và các bằng chứng cần thiết.
Đã rất nhiều lần khách hàng than phiền về chất lượng hàng hóa mua trên Lazada |
“Chúng tôi sẽ phạt bên bán hàng, trong đó có hình phạt đóng cửa gian hàng vĩnh viễn trên Lazada. Chúng tôi luôn đề nghị khách hàng kiểm tra tình trạng đơn hàng trên ứng dụng/email/website của Lazada. Khách hàng cũng cần kiểm tra đúng số đơn hàng, tên nhà bán hàng và các thông tin liên quan đến đơn hàng khác để bảo đảm nhận chính xác kiện hàng đã đặt trên Lazada” - đại diện Lazada nói.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ vai trò của người quản lý sàn. Theo đó, chủ cửa hàng trên sàn phải chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình, nhưng chủ sàn phải có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng khiếu nại và giải quyết vấn đề. Chợ điện tử cũng như chợ truyền thống, khi mua phải hàng dỏm thì không thể bắt đền chợ mà chỉ có thể bắt đền chủ quầy hàng.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho rằng, nếu mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể gửi đơn khiếu nại để cục xử lý các đơn vị này.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM - mức phạt hiện nay quá nhẹ (chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng), không đáng là bao so với lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi nên tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan. “Trước khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, khách hàng cần xem gian hàng đó có uy tín không, trang web đó là sàn thương mại điện tử thật hay mạo danh. Những sản phẩm được bán với giá quá rẻ chắc chắn là hàng giả” - bà Thu khẳng định.
Theo Báo Điện tử Phụ nữ TP.HCM