Mua hàng trên facebook, kẻ cười người khóc

Anh Đức Phương (Cầu Giấy) cho biết, anh và nhiều thành viên trong gia đình thường đặt mua đồ trên facebook vì cái gì cũng có thể mua được trên mạng xã hội này. Từ đồ nội thất, gia dụng, đồ điện tử, quần áo đến đồ ăn, thức uống… lại không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. “Cũng khá lâu rồi tôi không ra cửa hàng để mua quần áo. Nếu như ngày trước, mỗi lần muốn mua gì là phải mất nửa ngày để lượn qua các cửa hàng xem rồi chọn. Có khi đi cả ngày cũng không chọn được món nào ưng ý. Bây giờ chỉ cần rảnh rỗi lướt facebook, thấy đồ nào ưng ý là hỏi mua luôn”, anh Phương cho biết thêm.

Không chỉ anh Phương mà đối với nhiều người, mua sắm qua facebook thật sự là lựa chọn tối ưu khi không cần tốn quá nhiều công sức, chỉ cần ngồi một chỗ là có thể chọn cho mình món đồ phù hợp.

Tuy nhiên, để đánh đổi cho sự tiện lợi đó, không ít người tiêu dùng khi mua hàng trên facebook lại rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười khi những món đồ trên thực tế không giống như những gì người bán quảng cáo, thâm chí nhiều trường hợp đã thanh toán tiền rồi mà lại không nhận được hàng. Với việc không được sờ tận tay, thấy tận mắt thì những trường hợp nhận được hàng kém chất lượng, khác xa so với thực tế là điều không hiếm khi chính facebook cũng là mảnh đất màu mỡ cho không ít những người bán hàng vô lương tâm, thậm chí những kẻ lừa đảo.

Cũng như anh Phương, nhiều khách hàng cũng chọn facebook như một kênh mua sắm cho bản thân, tuy nhiên không ít người đã có những trải nghiệm mua sắm không lấy gì làm vui vẻ. Mang bực vào người nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía cửa hàng, nhiều người chỉ còn cách lên chính facebook để bóc phốt.

Đăng tải bài viết thể hiện sự bức xúc với hành vi gian dối của một cửa hàng thời trang tại Hà Nội, anh Vũ Đức (tỉnh Nam Định) thậm chí còn đăng tải hình ảnh sản phẩm, thông tin đơn hàng và hình ảnh cửa hàng trên facebook để cảnh báo những khách hàng khác. Theo đó, anh này đã đặt mua 2 chiếc áo sơ mi lụa của một cửa hàng thời trang có địa chỉ ở Lạc Long Quân, Hà Nội với giá 180.000 đồng, tuy nhiên đến khi nhận hàng lại là một chiếc áo thun không cổ. “Lúc gửi hàng về lại không cho kiểm tra, mình cũng tin tưởng thanh toán tiền xong mở ra thì cái áo như cái áo tù”, anh Đức bức xúc chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ như anh Đức, chị Hoài Thu (Hà Nội) cũng là nạn nhân của việc mua hàng qua facebook. Trong bài viết của mình trên facebook, chị Thu chia sẻ, “Mình thường xuyên mua hàng qua mạng nhưng lần đầu tiên gặp cảnh này, tư vấn nhiệt tình, săn đón cho bằng được. Nhận hàng xong ngã ngửa luôn mọi người ạ”. Theo đó, chị Thu đặt mua 2 chiếc váy của một cửa hàng thời trang nữ trên facebook với giá là 198.000 đồng và được miễn phí tiền giao hàng. Tuy nhiên khi nhận hàng và kiểm tra thì lại là 2 sản phẩm khác hoàn toàn. Nghĩ là cửa hàng chỉ gửi nhầm thôi nhưng khi liên hệ với cửa hàng bằng tin nhắn và gọi điện thoại theo số trên facebook thì đều không nhận được phản hồi.

Thực tế, khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử, người mua phần nào yên tâm hơn khi có những chính sách kiểm tra, đổi trả hàng rõ ràng. Còn nếu mua hàng trên facebook, người mua và người bán chỉ có thể thỏa thuận với nhau bằng sự tin tưởng khi không có đơn vị trung gian đứng ra bảo đảm và khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại. Do đó, để tránh trường hợp bị lừa, mua phải hàng kém chất lượng trên facebook, người mua phải trang bị cho mình một số kinh nghiệm mua hàng nhất định.

Mua hang tren Facebook: nen trang bi nhung gi de tranh rui ro?

 

Làm thế nào để tránh được rủi ro khi mua hàng trên facebook?

Chia sẻ về kinh nghiệm mua hàng online trên facebook, chị Thái Trà (chủ shop đồ mẹ và bé online) cho rằng, câu “tiền nào của nấy” đúng trong mọi hoàn cảnh. Nếu thấy các shop bán hàng quá rẻ so với thị trường thì khách hàng nên xem lại. “Hàng rẻ tiền thì đương nhiên chất lượng sẽ kém, nếu hàng quá rẻ mà trên ảnh lại đẹp long lanh thì nhiều khả năng bạn đang bị lừa”, chị Trà cho biết. Ngoài ra, khi mua hàng người mua nên yêu cầu người bán cung cấp ảnh chụp thật của sản phẩm, không phải ảnh trên mạng để có cái nhìn chính xác nhất về tình trạng, hình thái của sản phẩm.

Cũng theo chị Trà, lượt thích và lượng người theo dõi cũng chỉ nên là yếu tố tham khảo. Nhiều người sai lầm khi chọn mua sản phẩm có nhiều lượt người thích, tuy nhiên chỉ cần trả một số tiền, các shop hoàn toàn có thể tăng lượt thích và theo dõi một cách dễ dàng. Cũng như để ý, nếu shop nào tắt chức năng bình luận thì cũng cần xem xét. Thực tế, có nhiều shop đăng sản phẩm có hàng ngàn lượt like và hàng trăm bình luận, nhưng khi bấm vào phần bình luận thì lại không nhìn thấy bình luận nào cả. Một shop làm ăn chân chính nên có sự tương tác với khách hàng, dẫu cho có phản hồi tốt hay xấu.

Hiện nay, để thuận tiện cho khách hàng, nhiều shop cũng đã có thêm hình tức thu tiền hộ (COD), tức là nhờ bên đơn vị vận chuyển thu tiền hộ từ tay khách hàng. Điều này cũng khiến khách hàng yên tâm hơn. Tuy nhiên, trong 2 trường hợp như của anh Đức và chị Thu, người bán lại không cho người mua kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Theo chị Trà, người mua nên thỏa thuận điều này với người bán trước khi đặt mua hàng bởi vì đơn vị vận chuyển chỉ có chức năng giao hàng và thu tiền hộ, còn việc kiểm tra hàng là thỏa thuận giữa 2 bên với nhau. Do vậy, cho xem hàng trước khi thanh toán cũng là một yếu tố khách hàng nên cân nhắc trước khi đặt mua. Khi kiểm tra gói hàng, người mua nên chụp ảnh, quay phim toàn bộ quá trình để có bằng chứng khiếu nại với cửa hàng hoặc đơn vị vận chuyển.

(Theo Pháp luật & Xã hội)