Theo phản ánh của chị T.N.H, ngụ tại TPHCM, đầu tháng 9 vừa qua chị mua lại viên đá quý ruby có trọng lượng là 1,257 gam từ một người quen, kèm theo giấy kiểm định của Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL). Nghĩ là mua được đá quý với giá hời, vì người bán lấy đúng bằng giá gốc trên giấy kiểm định là 750 USD (khoảng hơn 17 triệu đồng), trong khi giá thực tế đã cao hơn hẳn mức này.
Tuy nhiên, khi so sánh với những viên đá quý của những người bạn, chị H nhanh chóng nhận ra dòng chữ "giá trị viên đá" lại chẳng xuất hiện trên các giấy kiểm định đá quý, kim cương khác. Đem tới PNJL nhờ kiểm tra, chị nhận thông báo đó là giám định giả mạo. Viên đá ruby cũng là giả.
Giấy kiểm định mà chị H. đem đến PNJL để nhờ kiểm định lại là giả, trên giấy có ghi số tiền định giá |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài dòng chữ "giá trị viên đá" thì hình thức, và nội dung của tờ kiểm định thật và giả hầu như chẳng khác nhau. Đáng nói, theo đại diện công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, giấy kiểm định mà chị H. đưa đến giả mạo cả về nội dung và hình thức
"Từ tháng 9/2020, PNJL không thể hiện định giá trên giấy kiểm định đá quý nhưng giấy kiểm định giả lại có nội dung giá. Có thể các đối tượng đã cố tình ghi giá trên giấy kiểm định để dễ dàng lừa đảo người mua rằng đây là viên đá có giá trị đã được kiểm định” , vị này lý giải.
Phía PNJL cho biết thêm, trường hợp bị lừa mua hàng giả như chị H thời gian gần đây không hiếm. Hầu hết khách hàng mua đá quý qua mạng, trong đó nhiều trang giả mạo PNJ và chỉ đến khi mang đi kiểm định mới biết là hàng giả.
Một hình thức lừa đảo tinh vi hơn theo giới kiểm định đá quý, không ít trường hợp mua kim cương có giấy kiểm định từ nước ngoài là Viện Ngọc học Mỹ (GIA). Giấy kiểm định GIA thì lại là… thật 100% nhưng kiểm định kim cương lại cho kết quả là kim cương nhân tạo. Thông thường, những viên kim cương chất lượng tốt, giá trị cao sẽ được đưa vào GIA để kiểm tra và có giấy kiểm định. Những kẻ gian sẽ khắc mã số lên kim cương “nhái” cho trùng với mã số trên giấy GIA tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhiều người mua kim cương thường dùng kính hiển vi soi mã số xem có trùng với giấy chứng nhận để ra quyết định mua.
''Trung bình mỗi năm công ty tiếp nhận khoảng 250 – 300 mẫu kim cương trên 4 li (mẫu lớn nhất có kích thước từ 7,3-10 li) được phát hiện là giả. Riêng mẫu kim cương dưới 4 li thì có hàng ngàn trường hợp. Trong khi đó giá trị của các loại kim cương tổng hợp và nhân tạo chỉ bằng 20% giá trị kim cương thật” – một chuyên viên tại PNJL nói.
Theo PNJL, có hàng ngàn viên kim cương kích thước trên 1 carat, được phân cấp tại phòng thí nghiệm GIA (ở Israel) đã bị thay đổi cơ sở dữ liệu về cấp độ màu để đánh lừa người tiêu dùng. Sự khác nhau về nước màu sẽ khác xa về giá trị. Chẳng hạn, trên giấy kiểm định ghi nước màu D, nhưng khi kiểm định sẽ ra nước màu E, F hay G chẳng hạn. Một viên kim cương 5,4 li có nước màu D, độ sạch VVS1 có giá khoảng 4.500USD (103 triệu đồng), nhưng nếu rớt xuống nước E chỉ còn 3.600USD (82 triệu đồng), hay rớt xuống nước F chỉ còn 3.200USD (73 triệu đồng)…
Theo Báo điện tử Phụ nữ TP HCM