- Tại địa phương nơi tôi sinh sống xảy ra sự việc, một người phụ nữ vừa bị công an bắt giữ vì có liên quan đến đường dây mua bán trẻ em. Xin hỏi nếu người đó phạm tội buôn bán trẻ em thật thì sẽ bị xử phạt thế nào?
Mua bán trẻ em là hành vi đáng lên án (Ảnh minh họa) |
Thông tin bạn nêu chung chung nên chúng tôi đưa ra quy định tại Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em bị xử phạt như sau:
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Theo hướng dẫn tại theo quy định tại Điều 04 Thông tư liên tịch số 01/2013 Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công An – Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp hướng dẫn về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. thì:
1. "Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán;
d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác.
2. “Đánh tráo trẻ em” là hành vi thay thế trẻ em này bằng trẻ em khác ngoài ý muốn của cha mẹ, người nuôi dưỡng hoặc người quản lý hợp pháp của một hoặc cả hai đứa trẻ.
3. “Chiếm đoạt trẻ em” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.
4. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Hậu quả của các hành vi trên là đứa trẻ bị đem ra mua bán, bị đánh tráo, bị chiếm đoạt thoát ra khỏi sự quản lý của bố mẹ, gia đình.
Theo quy định của pháp luật như trên có thể thấy: đây là loại tội phạm thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, tội phạm này đã có những hành vi xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc