Có câu: Không có lửa làm sao có khói? Lời đồn đại, nếu là sự thật, liệu có thể được xem là một trong những nguyên nhân của nạn tranh cướp khách, nhồi nhét khách, nạn cơm tù nước ngục tương đối phổ biến mà báo chí đã nêu thời gian qua?
Không có lửa sao có khói
Ngày 15/10/2015, tại cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng có phát biểu: “Có người nói với tôi, xin một “lốt” xe vào bến xe Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”.
Gần như ngay lập tức, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã ký văn bản đề nghị Bộ trưởng cung cấp thông tin tiêu cực để kiểm tra, xác minh báo cáo UBND thành phố và Bộ GTVT xử lý theo đúng quy định.
Nhận định về phản ứng này, các luật sư và chuyên gia pháp lý cũng đã lên tiếng về tính thách đố, chưa tuân thủ các nguyên tắc điều hành của bộ máy công quyền trong trường hợp này.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 22/10, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ với báo giới, việc DN trao đổi lốt xe cho nhau với mức 500-600 triệu không có trách nhiệm quản lý ngành của Sở GTVT Hà Nội. Các DN vận tải chuyển nhượng cho nhau Sở GTVT Hà Nội không biết. Các DN không có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý Nhà nước không có trách nhiệm can thiệp, ông Linh giải thích rõ. |
Có câu: Không có lửa làm sao có khói? Lời đồn đại, nếu là sự thật, liệu có thể được xem là một trong những nguyên nhân của nạn tranh cướp khách, nhồi nhét khách, nạn cơm tù nước ngục tương đối phổ biến mà báo chí đã thời gian qua? Đây cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân vì sao giá xăng giảm mà giá cước vận tải không giảm, thậm chí có khi cơ quan nhà nước phải “dọa” nêu đích danh các đơn vị không chịu giảm cước.
Bởi các DN vận tải cũng buộc phải chạy đua với thời gian để hoàn vốn, bù đắp lại rất nhiều chi phí trong đó có những chi phí mềm như mua lốt xe mà Bộ trưởng đã nêu?
Hiện, Bộ GTVT đang dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ban hành ngày 07/11/2014, trong đó nội dung quan trọng nhất là bỏ quy định chấp thuận tuyến, thuộc thẩm quyền của Sở GTVT. Được biết, từ tháng 07/2015, Bộ trưởng đã chủ động chỉ đạo việc này nhưng vẫn chưa thực hiện được vì còn có sự “băn khoăn” của các Sở GTVT.
Ảnh: Autodaily.vn |
Lâu nay, chúng ta thường nghe nói đến việc các ban ngành cố gắng giữ các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý để “làm khó” doanh nghiệp. Bộ GTVT sửa đổi bổ sung Thông tư 63/2014/TT-BGTVT theo hướng loại bỏ một thủ tục hành chính không cần thiết có phải là đã đụng chạm đến nguồn lợi không nhỏ từ việc quản lý các bến xe nên việc thực hiện sẽ vấp phải những khó khăn?
Chứng cứ: Một câu hỏi lớn ai người đáp?
Trước đây, từng có những phát ngôn của các quan chức về vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình như: Bằng giả chỉ có thể vào nhà nước, chạy công chức tại Hà Nội có giá cả trăm triệu đồng….
Cũng tương tự, khi tiếp nhận các thông tin này, nhiều cá nhân, tổ chức tưởng mình bị liên quan, bị ám chỉ đều lên tiếng phản đối, cho đó là những phát ngôn chưa chuẩn xác, thiếu thận trọng, thậm chí là dồn người phát ngôn vào thế bí: Chứng cứ đâu?
Vâng, chứng cứ đâu vẫn là câu hỏi muôn thủa, thẳng thắn, trực diện nhất khiến những gì đang còn là hoài nghi, đồn đoán khó có cơ sở để tồn tại và đứng vững. Dưới góc độ pháp lý, đây còn là câu hỏi có sức mạnh hơn bất cứ lời thanh minh, giải thích nào. Vì thế, nó thường được sử dụng như một phương tiện phòng vệ và đã tỏ ra tương đối hiệu quả.
Nhưng rồi chúng ta vẫn thấy các vụ công chức dùng bằng giả để trèo cao, tiến sâu vào các cơ quan nhà nước được đưa tin, các vụ liên quan đến chạy công chức, chạy chức quyền vẫn được tố cáo. Và cho dù kết luận các vụ việc đó thế nào thì công chúng vẫn có quyền không thôi hoài nghi.
Trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi luôn là phương thức khôn ngoan trong bất kỳ trường hợp nào, nhưng đó không nên là cách xử lý thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xưa nay, những việc làm khuất tất vốn dĩ ít khi được lập thành văn bản, vì thế để truy nguyên không hề dễ dàng. Trong những trường hợp chứng cứ chỉ là “truyền khẩu” hoặc đang tồn tại trong “nhân gian” như thế này thì ai là người có trách nhiệm phải tìm hiểu, xác minh, nếu trước hết không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
Sau phản ứng của công luận về việc làm chưa đúng chuẩn mực công vụ, ngày 21/10/2015, Sở GTVT đã có văn bản trả lời Bộ trưởng, trong đó nêu rõ: “Qua các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp có thể khẳng định thông tin xin cơ quan quản lý nhà nước lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng là chưa có căn cứ”. Quá nhanh, quá nguy hiểm, đặc biệt nếu biết rằng việc xác minh chỉ trong vòng vài ba ngày và là “qua các ý kiến phát biểu”.
Tin hay không, tùy bạn.
Cuối cùng, xin phép mượn tên tập sách vừa được giới thiệu đến công chúng của tác giả Đặng Hoàng Giang để kết bài này: Bức xúc không làm ta vô can!
Nga Lê