Mới đây mạng xã hội vẫn "nóng" thông tin một cuộc mua bán lan đột biến (lan var) giữa vườn lan var Đất Mỏ (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với 4 cá nhân trị giá gần 300 tỷ đồng.

{keywords}
 

Theo hình ảnh chia sẻ, ông Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (vườn lan Var Đất Mỏ) chuyển nhượng cây lan Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ cho ông Nguyễn Tiến Hưng và ông Nguyễn Văn Linh (TP Hải Phòng).

Ông Nguyễn Văn Linh khẳng định giao dịch là có thật, hai bên nhà vườn có văn bản thỏa thuận chuyển cây. Tuy nhiên, hai bên thống nhất, sau 1 năm, khi nào nhà vườn của ông Giang (ở Quảng Ninh) nuôi cấy và chăm sóc thành công giống Ngọc Sơn Cước, thì mới được thanh toán khoản tiền nói trên.

Trên thị trường hiện nay, việc nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ hàng tỷ đồng để mua lan đột biến khiến nhiều người không thể hiểu nổi. Trên thực tế, lan đột biến chỉ là một cá thể hay dòng hoa lan trong quần thể phong lan tự nhiên nhưng bất ngờ có sự biến đổi khác biệt về kiểu dáng như màu hoa, kích thước lá... so với các loại cây cùng loại.

Nhiều người am hiểu cho biết những cây lan đột biến đang được giao dịch trên thị trường hiện nay có thể di truyền lẫn không di truyền được nên người mua cần chú ý khi có nhu cầu mua cây mẹ về nuôi giống bán lại lấy lời. Đồng thời, mọi người cũng không nên thấy cây lạ mà vội chi tiền bất chấp, cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia thị trường lan đột biến.

{keywords}
 

Bên cạnh đó, những công nghệ như nuôi cấy mô tế bào có thể nhân giống lan đột biến trong vài tháng và sản xuất hàng triệu gốc lan đột biến ra thị trường. Tế bào thực vật có thể được nuôi cấy để tạo ra cơ thể mới. Dựa trên yếu tố này mà con người có thể nhân giống nhiều loại cây quý hiếm.

Trên thực tế, việc sốt lan đột biến là một loại bong bóng thị trường đầu cơ khi nhiều người thổi giá sản phẩm lên cao quá mức giá trị thực của nó. Trước đó đã từng có những cơn sốt ảo trong nông nghiệp như sốt cây sanh làm cảnh năm 2010, sốt nuôi nhím năm 2012 đều kết thúc với việc bóng bóng xì hơi và nhiều người lỗ nặng.

Bong bóng thị trường đầu tiên

"Hội chứng hoa Tulip" hay "Bong bóng Uất kim hương" diễn ra trong thời kỳ hoàng kim của Hà Lan khi nền kinh tế nơi đây khá phát triển vào thế kỷ 17. Trong thời kỳ này, thị trường phái sinh, hay thị trường kỳ hạn, chuyên buôn bán các hợp đồng tương lại đã manh nha và phát triển nhanh chóng.

Một trong những mặt hàng nổi tiếng trên thị trường phái sinh khi đó là hợp đồng buôn bán hoa Tulip. Đây là loài hoa được đế quốc Ottoman đưa vào Châu Âu từ giữa thế kỷ 16 và rất được ưa chuộng trong tầng lớp thượng lưu, thậm chí còn được coi là hàng xa xỉ cũng như biểu tượng của cho địa vị.

Từ năm 1636, nhu cầu lớn từ giới thượng lưu và những người làm vườn đã đẩy giá hoa Tulip lên mức cao chưa từng có do cầu vượt xa cung. Cơn sốt buôn bán hoa Tulip theo kiểu này bùng nổ nhanh chóng và lên tới đỉnh điểm vào năm 1637.

{keywords}
 

Một củ hoa Tulip khi đó có giá dao động từ 3.000-4.200 Florin tùy kích cỡ, trong khi một thợ thủ công lành nghề chỉ kiếm được khoảng 300 Florin mỗi năm. Cá biệt, những củ hoa Tulip biến dị cho màu sắc đẹp có thể lên tới 100.000 USD theo tỷ giá ngày nay. Số tiền này khi đó có thể mua được 24 tấn lúa mì, 48 tấn lúa mạch đen hoặc 2 tấn bơ.

Tại thời điểm này, Hà Lan mới hồi phục lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế và người nông dân có nhiều tài chính để tiêu pha. Tuy nhiên do thiếu kiến thức, việc mua bán hoa Tulip trên thị trường phái sinh đã trở thành cách đầu cơ điên cuồng bởi ai cũng tin rằng giá loại "tài sản" này sẽ tăng lên trong tương lai.

Thêm vào đó, do thời gian trồng của loài hoa này nên những củ hoa Tulip được giao dịch trên thị trường phái sinh thay vì mua bán trực tiếp nhằm tạo sự thuận lợi cho cả 2 bên cung cầu.

Thậm chí, có những tuần giá hoa Tulip trên thị trường phái sinh tăng 100%. Tất cả doanh nhân, thợ nề, mục sư và luật sư cũng tham gia thị trường vốn bị đẩy lên cao do những người nông dân có tiền thiếu kiến thức bởi mức lợi nhuận là quá lớn.

Sau một khoảng thời gian tăng giá chóng mặt, giá hoa Tulip bắt đầu giảm từ tháng tháng 2/1637 đến mức không ngờ. Những lái buôn hoảng hốt khi giá củ Tulip giảm xuống chỉ còn 1% so với cách đây vài ngày và thậm chí còn giảm tiếp. Hậu quả của sự sụt giảm này là lợi nhuận ảo trên các giấy tờ bị xóa sạch trong khi hàng nghìn người điêu đứng vì phá sản hay nợ nần.

{keywords}
Chỉ 6 tuần sau đó, việc kinh doanh củ hoa Tulip trên thị trường phái sinh bị cấm hoàn toàn.

Những nghiên cứu về cơn sốt hoa Tulip gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện do số liệu hạn chế. Tuy nhiên, đây được coi là bong bóng đầu cơ nổi tiếng đầu tiên được ghi lại trong lịch sử kinh tế học bất chấp trước đó đã có vài cuộc phá giá tiền đồng nhằm lấy chiến phí có diễn biến tương tự một bong bóng thị trường.

Thuật ngữ "Hội chứng hoa Tulip" cũng được các nhà kinh tế học dùng để chỉ bất kỳ một bong bóng kinh tế nào khi giá trị tài sản tách rời giá tị nội tại.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)