- Mua gom, bán tháo cổ phiếu theo hình thức “tiền trảm hậu tấu”, không còn dừng ở hiện tượng mà dường như đã thành 1 vấn nạn, 1 sự việc “đương nhiên”. Các đại gia cứ mua bán xong thì nộp phạt và cơ quan xử lý nhận tiền phạt là xong.

Hình thức quản lý lỏng lẻo và mức xử phạt quá thấp có lẽ đang dung túng cho các đại gia, các cổ đông lớn - những người nắm rõ thông tin nội bộ doanh nghiệp - hình thành nên 1 thói quen vi phạm pháp luật. Thực tế, những hành vi này không thể mãi coi nhẹ ở mức vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần mà nó đang trở thành 1 tệ nạn, trong đó chủ hành vi cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường và coi thường các cơ quan quản lý.

Mua bán chui: Chuyện nhỏ

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hôm 10/7 công bố thông tin cổ đông nội bộ của 2 công ty niêm yết là Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (mã SJS) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã STB) vi phạm công bố thông tin.

Cụ thể, ông Đỗ Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị SJS - đã bán 420.340 cổ phiếu SJS từ ngày 01/06/2012 đến ngày 26/06/2012, trước khi HOSE công bố thông tin đăng ký giao dịch. Trong khi đó, tại Ngân hàng Sacombank, ông Trầm Khải Hòa - Thành viên Hội đồng Quản trị STB - đã mua 540.000 cổ phiếu STB từ ngày 15/06/2012 đến ngày 22/06/2012 nhưng không công bố thông tin.

Thông tin này trên thực tế không còn được nhiều người quan tâm vì nó đã trở nên quá quen thuộc với các nhà đầu tư và số lượng mua bán chui là “nhỏ” so với những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong nhiều năm qua. Nó thậm chí còn không được đem ra bàn luận trên các diễn đàn chứng khoán.

Điều này cũng khá dễ hiểu bởi các nhà đầu tư đã không có gì bất ngờ với việc bán trước, hoặc mua trước rồi báo cáo sau, đặc biệt là hành động của những đại gia lắm tiền nhiều của trong các đơn vị đang có sự giằng xé lợi ích giữa các bên, ở các đơn vị có hiện tượng thâu tóm.

Trước đó, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6/2012, báo chí đã có cơ hội mổ xẻ một loạt các hành động âm thầm mua gom, bán tháo cả triệu cổ phiếu và những quyết định xử phạt kiểu đúng nguyên tắc và “cho nó có” của các cơ quan quản lý.


Cụ thể, chỉ vài ngày sau khi bị phạt (60 triệu đồng/tổ chức, cá nhân) do bí mật mua gom một số lượng cổ phiếu khổng lồ và trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Sacombank (và tạo ra vụ thâu tóm Sacombank rùm beng dư luận), hôm 12/6, các cổ đông lớn của STB lại bị HOSE “vạch mặt” bán hàng triệu cổ phiếu không báo cáo.

Việc bán ra của CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu và ông Trần Phát Minh đã khiến 2 cổ đông này không còn là cổ đông lớn (dưới 5%) và nó đồng nghĩa với việc nếu 2 cổ đông này muốn bán hết gần 100 triệu cổ phiếu đang nắm giữ còn lại cũng không cần công bố.

Chắc chắn các cổ đông này sẽ lại bị phạt. Và rõ ràng phạt là đánh vào lợi ích kinh tế của những đối tượng vi phạm nhưng dường như nó không có tác dụng ngăn chặn mà còn đang khiến cho tần suất vi phạm gia tăng.

Trước đó, giới đầu tư chắc hẳn còn nhớ những vụ thoát xác nhẹ nhàng hoặc ôm hàng không ai biết và bị phạt rất nhẹ như Đinh Hồng Long - Chủ tịch SHN (phạt 40 triệu), Sacombank đã mua 1.041.500 cổ phiếu SPM vào ngày 5/3/2012 và trở thành cổ đông lớn nhưng chậm báo cáo…

Thiệt hại có lẽ chỉ rơi vào các nhà đầu tư nhỏ

Như đã biết, Thông tư 52 về quy định công bố thông tin mới có nhiều điểm khác biệt và theo hướng siết chặt hơn so với Thông tư 09, trong đó quy định không chỉ doanh nghiệp niêm yết mà cả các doanh nghiệp chưa niêm yết mà có quy mô vốn lớn và tính đại chúng cao (có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng và có từ 300 cổ đông trở lên) đều phải thực hiện công bố thông tin.

Những yêu cầu trong Thông tư 52 là khá chặt chẽ và có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua. Tuy nhiên, với tình hình vi phạm như trong hơn 1 tháng qua có thể thấy dường như các biện pháp quản lý giám sát và xử phạt chưa phát huy hiệu quả. Số lượng các vi phạm vẫn còn nhiều và các đối tượng vi phạm có biểu hiện ngang nhiên hơn.

Thực tế cho thấy, những đối tượng vi phạm dường như không ngại việc bị xử phạt. Hoạt động mua gom, bán tháo cổ phiếu vẫn được thực hiện theo hình thức “tiền trảm hậu tấu” một cách tràn lan. Các đại gia cứ mua bán xong thì nộp phạt và cơ quan xử lý nhận tiền phạt là xong.

Vấn đề đặt ra là liệu các hình thức quản lý lỏng lẻo và mức xử phạt quá thấp như hiện nay có đủ ngăn chặn và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK hay không, hay vẫn đang dung túng cho các cổ đông lớn hình thành nên 1 thói quen vi phạm pháp luật.

Rõ ràng, những khoản xử phạt vài chục triệu đồng/1 lần vi phạm không là lớn đối với những cổ đông lớn vi phạm. Trong khi đó, ảnh hưởng của nó tới quyền lợi của các cổ đông nhỏ nếu tính tổng là rất lớn. Hơn thế, nó còn ảnh hưởng tới sự phát triển của TTCK - 1 thị trường được xây dựng dựa trên niềm tin.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, những hành vi vi phạm công bố thông tin dạng mua chui, bán lén này không thể mãi coi nhẹ ở mức vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần mà nó đang trở thành 1 tệ nạn. Trong đó chủ hành vi cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường và coi thường các cơ quan quản lý.

Trong trường hợp ông Đỗ Văn Bình, đại gia này đã bán 420.000 cổ phiếu SJS từ 1/6 đến 26/6 trong đợt đăng ký bán tổng cộng 10 triệu cổ phiếu SJS. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ ông Bình đã bán 420.000 cổ phiếu SJS trước khi HSX công bố thông tin đăng ký giao dịch.

Khá nhiều nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi, tại sao cổ đông lớn này lại phải vội vã bán chui số cổ phiếu nói trên? Và khi câu hỏi chưa kịp được giải đáp thì ông Bình đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu. Và đến ngày 6/7, ông Bình nhận sở hữu 4,5 triệu cổ phiếu từ 3 nhà đầu tư là Wareham Group Limited, Vietnam Enterprise Investments Ltd và Vietnam Property Fund Limited. Sau các giao dịch trên, ông Bình hiện sở hữu 19,87 triệu cổ phiếu SJS, chiếm 19,87% vốn điều lệ SJS. Được biết, trong khoảng thời gian từ 1-26/6, cổ phiếu SJS đã giảm từ mức 38.500 đồng/cp xuống 34.800 đồng/cp.

Chưa biết trên TTCK ai là người được, ai là người mất nhưng dường như các nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người thường phải chạy vã mồ hôi theo những biến động khôn lường của các cổ đông lớn.

Trong trường hợp STB trước đó, các đại gia thâu tóm STB trong một khoảng thời gian rất dài và ở mức giá thấp. Khi mục tiêu đã thành, giá cổ phiếu STB đã lên mức rất cao (có thời gian cao 1 gấp đôi). Việc thoái vốn khi đó giống như 1 mũi tên trúng 2 đích, đạt được mục đích thâu tóm và bán ra được giá cao thu lời về. Cái lợi này không rõ có bao nhiêu nhà đầu tư nhỏ lẻ được tham gia ăn theo cùng?

Mạnh Hà