- Dự thảo luật Mặt trận Tổ quốc sửa đổi quy định đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành.

>> MTTQ giám sát nhưng phải theo văn bản của Đảng
>> 'Không có gì tốt hơn dân thông qua MTTQ giám sát Đảng'
>> 'Chưa nên mở rộng giám sát, phản biện của MTTQ'

Sau ý kiến chính thức của Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp UB Thường vụ QH tháng 12/2014 về việc "MTTQ phải giám sát hoạt động của Đảng nhưng phải theo các văn bản của Đảng chứ không đưa vào luật là văn bản do QH ban hành", dự thảo luật đã được điều chỉnh theo hướng này.

{keywords}
Ảnh: TTXVN

"Đối với Đảng, trên nguyên tắc Đảng Cộng sản VN vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo MTTQ thì mối quan hệ giữa MTTQ với Đảng do các văn bản của Đảng quy định", báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật MTTQ sửa đổi của Thường vụ hôm nay (9/3) nêu rõ.

Theo đó, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ được quy định là "việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo chính sách, pháp luật của nhà nước; dự thảo các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước".

Phản biện xã hội của MTTQ, theo dự thảo luật, mang tính nhân dân, dân chủ, khách quan, xây dựng, khoa học và thực tiễn nhằm phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong dự thảo văn bản của nhà nước, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong hoạch định, chính sách pháp luật của nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

"Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc", dự thảo luật nêu.

MTTQ có thể phản biện chính sách qua các hình thức hội nghị, gửi văn bản cần phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội, đối thoại trực tiếp...

Như vậy, dự thảo luật đã làm rõ đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành. "Đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chính sách, pháp luật của nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy định như vậy là phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của MTTQ thời gian qua", báo cáo của Thường vụ nhận định.

Chung Hoàng