Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, chú trọng thông qua việc triển khai nhiều chính sách về lĩnh vực này. Năm 2003, BCH Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về Công tác dân tộc, đây là chủ trương lớn, toàn diện. Trong đó việc phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đặc biệt chú trọng. 

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm DTTS và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị.

Ảnh minh họa

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ. Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai cũng như sinh con tại các cơ sở y tế chỉ đạt 86,4%.

Cuộc điều tra thu thập thông tin cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai trong lần sinh gần nhất đạt 88%. Tuy nhiên, một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất thấp, như dân tộc như La Hủ (45,3%), La Ha (63,5%), Mảng (65,9%).

Điều này cũng là một trong số những tác nhân khiến tỉ số tử vong mẹ ở vùng DTTS cao hơn trung bình cả nước. Tỷ số tử vong mẹ của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 165/100.000 ca đẻ sống năm 2002 xuống còn 65/100.000 ca đẻ sống vào năm 2018, nhưng tỷ lệ này ở 225 huyện DTTS miền núi và huyện xa xôi nhất vẫn ở mức 104/100.000 ca đẻ sống.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ báo cáo với đoàn công tác (UNFPA - Bộ Y tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hồi giữa năm 2021, thói quen đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ của người dân nơi đây còn phổ biến; tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà, nhất là đồng bào dân tộc Mông, Lự, Dao, Mảng, mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây ra những nguy cơ tai biến sản khoa trong cộng đồng.

Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ mang thai ở huyện Sìn Hồ có sự tăng vọt sau nhiều năm giảm nhẹ, ở mức 46,5% (trong khi tỷ lệ chung toàn tỉnh Lai Châu là 33%). Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám thai ít nhất 4 lần của phụ nữ mang thai còn ở mức rất thấp (5,8%) so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (trên 73%).

Nằm ở vùng sâu, vùng xa trong rừng già Tây Nguyên, chị em phụ nữ xã Kdang huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai trước đây không quan tâm đến việc khám thai định kỳ, không quan tâm đến các các xét nghiệm tầm soát và đánh giá dị tật cũng như mức độ rủi ro của quá trình mang thai và cũng không đến các cơ sở y tế để sinh nở… dẫn đến sinh nở nhiều nhưng tỷ lệ sinh nở thành công thấp, sức khỏe bà mẹ và trẻ em không bảo đảm.

Sau khi chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nhận thức của bà con các vùng dân tộc thiểu sổ về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên, năm 2019,  xã Kdang được chọn để ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS - KHHGĐ.

Theo đó, Trạm phối hợp với các ban, ngành của xã đã tổ chức được 54 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tất cả các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ và chưa kết hôn ở 12 thôn, làng của xã. Thành lập đội ngũ cộng tác viên ở thôn, làng để sát sao, gần gũi với chị em phụ nữ, tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện quả. Cung cấp miễn phí dịch vụ KHHGĐ, thực hiện cung cấp dịch vụ lâm sàng như đặt vòng, thuốc tiêm tránh thai… các dịch vụ phi lâm sàng như bao cao su, thuốc uống tránh thai. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập mô hình không sinh con thứ 3, với đông đảo chị em tham gia.

Nhờ vậy, cuối năm 2019, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã đã giảm từ 1,37% xuống còn 1,21%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng giảm. Cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên 65%.

Chia sẻ về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng DTTS và miền núi, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam khẳng định: Đây là một vấn đề còn nhiều khó khăn thách thức. 

Bạch Thị Hân, Tuấn Anh, Thu Hằng, Diệu Bình, Kiều Oanh