Có nhiều lý do và nhiều cách thức để... xin ăn. Ở nhiều nước trên thế giới, khái niệm “ăn xin” và “vô gia cư” là một. Nhưng cũng có khi người ăn xin vẫn có một chốn đi về, còn người vô gia cư thì không ăn xin. Và đâu phải cứ hễ nước nghèo mới có người ăn xin hay vô gia cư. Họ vẫn nhan nhản ở các quốc gia phát triển đấy thôi.
Hình thức ăn xin dễ thấy nhất ở các nước phát triển là “ăn xin nghệ thuật”. Người ăn xin đổ sức ra đánh trống, chơi nhạc, ca hát, hóa trang thành tượng để dọa cho người ta vui, để mời gọi người ta chụp ảnh với mình. Họ thu hút những ánh mắt hiếu kỳ trên phố. Một ngày của họ cũng như bất cứ người lao động thực thụ nào khác. Không những chăm chỉ, họ còn phải sáng tạo để đỡ nhàm chán và nhiều khi không tránh khỏi việc cạnh tranh với các “đồng nghiệp”.
Một phụ nữ xin ăn trên đường vào điểm tham quan tượng chú bé tè (Manneken Pis) |
Ngoài “ăn xin nghệ thuật” thì “ăn xin giùm thú nuôi” cũng là một cách mưu sinh hợp lý. Con thú thường không biết lao động nhưng chúng cũng cần ăn uống, thuốc thang như con người. Thế là người ăn xin “sắm” một con thú ngồi cùng mình (thường là chó, vì mèo thì nhỏ quá còn sư tử thì bất khả), treo một tấm biển xin xỏ lên cổ hoặc để phía trước con vật.
Tôi cũng chẳng thể nào quên những “đoàn” hành khất trẻ em ở các nước Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là Campuchia và Myanmar. Khi tôi vừa cho đứa này thì đứa kia xuất hiện. Chúng chắp tay, mắt to tròn, lông mi dày cong vút, da đen nhẻm, áo quần lem luốc. Độc đáo hơn, chúng kiên nhẫn theo tôi qua sông, lên đồi hoặc băng qua những đoạn đường đông đúc cho đến khi nhận được sự hồi đáp. Thế mà, có lần, một người dân bản địa ở Yangon thẳng thừng nói với tôi: “Làm ơn đừng cho tiền chúng nữa. Tôi không muốn trong tương lai nước tôi nhiều ăn xin hơn trí thức!”. Tôi giật mình xin lỗi, rồi cũng chẳng thể sửa cái tật dễ mềm lòng của mình.
Và có lẽ, kiểu “ăn xin mà chẳng xin ăn” của người Nhật gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả với tôi. Một người bạn Nhật của tôi bảo rằng đừng gọi người ăn xin ở Nhật là ăn xin, hãy gọi họ là “lãng nhân”. Với một dân tộc mà tính chăm chỉ và lòng tự trọng đã ăn sâu vào máu thịt thì ăn xin là việc chẳng đặng đừng. Lãng nhân thường là người thất chí, người phá sản, nói chung là bất mãn cuộc đời.
Tôi hiểu rằng ngoài đói nghèo thì trên đời này còn biết bao tình huống, cảnh ngộ đẩy người ta đến nước xin ăn: vì tàn tật, vì chiến tranh, vì chân ướt chân ráo nhập cư, vì bị cưỡng ép lao động, vì sợ hãi lao động... Còn nói theo tên một vở hài kịch của người Việt - Thà ăn mày hơn ăn cướp - “nghề” ăn xin dù sao cũng lương thiện chán so với kẻ cướp giật, lọc lừa.
Hình ảnh người ăn xin, ở một phương diện khác, lại nhắc nhở cho ta cách biểu hiện lòng thương, niềm cảm thông của con người với cuộc đời. Có lẽ, văn nhân có cơ hội bộc lộ trực tiếp niềm thương với thành phần đặc biệt này của xã hội hơn cả.
Thuở xưa, Nguyễn Du, trên đường đi sứ sang Trung Quốc, vì cám cảnh cho bốn mẹ con người ăn xin “lê la trên đường nọ” mà làm bài Sở kiến hành. Sang đầu thế kỷ 20, trên đà phát triển rầm rộ của đô thị, giữa không khí “mưa Âu gió Á”, nhà văn Trần Quang Nghiệp khiến chúng ta xót thương cho ông lão ăn xin đói khổ và mộng mơ trong Ăn mày trúng số. Cảm thức đô thị của Vũ Trọng Phụng cũng không thể nào thiếu hình ảnh người ăn xin.
Một trong những truyện ngắn đầu tay của ông phơi bày cảnh ngộ hết sức thê thảm của người ăn xin là Một cái chết. Ông còn chọn cái tựa Tết ăn mày để nói về phận người nhỏ nhoi, cùng khổ trong một truyện ngắn khác. Trong nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật, nhân vật hóa trang thành ăn xin để dễ dàng tìm hiểu dân tình hay trà trộn vào lòng địch. Người hát rong Homère đã cho chàng Ulysse trí xảo cải dạng hành khất sau hai mươi năm xa cách quê nhà để xác tín lòng chung thủy của Penelope - vợ chàng.
Riêng với ông vua kiếm hiệp Kim Dung, Cái Bang là “đệ nhất bang”, có tôn chỉ hoạt động và trường phái võ công hẳn hòi. Ở nhiều câu chuyện đời xưa, thần tiên hay ẩn thân trong vỏ bọc ăn xin, chủ yếu để thử thang độ yêu thương của nhân gian và thưởng phạt tương xứng.
Tôi từng đọc những giai thoại nói về sự giàu có ngầm của người ăn xin. Tại Ấn Độ, có một “tầng lớp” ăn xin giàu đến mức có thể mua được hàng loạt căn hộ cao cấp và cho vay nặng lãi. Tư liệu về người ăn xin hẳn còn phong phú lắm, đủ để thấy cái-nghề-không-phải-là-nghề này thực sự là một hiện trạng đa đoan của đời sống xã hội.
Đương nhiên, tôi viết bài này không phải để bênh vực, khuyến khích hay đả kích việc xin ăn. Chỉ đơn giản là ghi chép những điều mình trông thấy. Chỉ để thấu cảm rằng bất cứ hình thức sinh tồn nào cũng hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, giáo dục, văn hóa, thể chế xã hội, tâm lý con người... Tôi chỉ chắc chắn một điều rằng, chừng nào cuộc đời vẫn còn nỗi cay đắng và nhân loại vẫn còn lòng trắc ẩn, chừng ấy vẫn còn người ăn xin.
Theo Diễm Trang/TBKTSG