Tối 25/6, Trung tá Phan Bá Hiếu, phụ trách Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM, cho biết, khoa đang điều trị cho một nam học viên 20 tuổi mắc bệnh bạch hầu.
Chín ngày trước, người này được chuyển vào viện trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Mẫu xét nghiệm ở bệnh viện và Viện Pasteur TP.HCM cho kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.
Bệnh viện đã tiến hành cách ly, khử khuẩn các khu vực bệnh nhân lui tới để điều trị. Ngoài ra, để tránh nguy cơ lây nhiễm, một số nhân viên y tế và bệnh nhân tiếp xúc gần đều được uống thuốc điều trị dự phòng. Qua 9 ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân tương đối ổn định, hết sốt, đau họng, sưng hạch cổ.
Bệnh bạch hầu được đánh giá có mức độ nguy hiểm truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu không được tiêm phòng, phát hiện trễ, bệnh nhân có thể bị các di chứng nặng nề như tổn thương thần kinh, tim, thận; liệt các cơ hô hấp hoặc gây tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu phải được uống thuốc phòng, tuân thủ việc đeo khẩu trang để phòng lây bệnh qua đường hô hấp.
Hiện tại, Đắk Nông và TP.HCM là hai địa phương có dịch bạch hầu ở phía nam. Vừa qua, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã có chuyến thị sát hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đây là nơi điều trị các trường hợp bạch hầu của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.
Đến nay, khu vực Tây Nguyên tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu, 6 ca dương tính, 4 ca đang được điều trị tại Khoa Nhi.
Phan Nhơn
Tử vong vì bạch hầu biến chứng: Bệnh này nguy hiểm như thế nào?
Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, nhiễm độc, tê liệt các dây thần kinh hoặc gây viêm cơ tim, nguy cơ tử vong nhanh chóng.