Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh - tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực thử nghiệm và ứng dụng một số mô hình liên quan tới kinh tế tuần hoàn.
Một trong những điểm sáng của Thành phố là Chương trình giảm ô nhiễm môi trường - tiền đề quan trọng hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chương trình được triển khai với đa dạng hình thức nhằm góp phần phòng ngừa sự cố rác thải. Có thể kể tới: Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” góp phần nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, đã xóa được hơn 600 “điểm đen” về rác thải, trong đó, hơn 70 điểm được chuyển hóa thành khu sinh hoạt động đồng (sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên,...); Chuyển hóa được gần 300 điểm ô nhiễm về rác thải; Lắp đặt được khoảng 33.000 thùng rác công cộng trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố; Lắp đặt thêm gần 13.000 camera quan sát an ninh trật tự kết hợp theo dõi, giám sát các trường hợp thải bỏ rác thải sai quy định.
Về tổ chức thu gom, phân loại rác thải, Thành phố đã sắp xếp được gần 1.600 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Toàn thành phố hiện có hơn 40 hợp tác xã vệ sinh môi trường, gần 300 công ty tư nhân thu gom rác và khoảng hơn 1.000 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động thu gom rác trên địa bàn các quận.
Hoạt động chuyển đổi công nghệ xử lý rác và tận dụng giá trị tái sử dụng của rác thải cũng được quan tâm triển khai. Thành phố đã khởi công xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc với tổng công suất 4.000 tấn/ngày; 1 nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước công suất 500 tấn/ngày; tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải chất thải rắn sinh hoạt - công nghiệp - nguy hại tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc với tổng công suất 1.120 tấn/ngày.
Ngoài ra, Thành phố còn thẩm định đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt từ chôn lấp sang đốt phát điện và sản xuất phân compost tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với công suất 3.000 tấn/ngày.
Bên cạnh Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, Mô hình 3R và Quỹ Tái chế chất thải cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng ngừa sự cố chất thải tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mô hình 3R (hay còn gọi là 3T) tập trung vào 3 hoạt động gồm: Giảm sử dụng hàng hóa và tiêu thụ tài nguyên; Tái sử dụng sản phẩm, tài nguyên; và Tái chế, tuần hoàn tài nguyên. Mô hình này đang được áp dụng thành công tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình 3R được khởi động từ năm 2006 và tái khởi động năm 2018 thông qua việc thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn một số quận. Cùng với đó, Ngày hội Tái chế chất thải đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về khái niệm 3R, tạo dấu ấn nhất định trong phong trào cộng đồng bảo vệ môi trường của thành phố.
Một mô hình góp phần phòng ngừa sự cố chất thải khác nữa là Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi động triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2018.
Sáng kiến hướng đến bốn mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; Xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; Phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, hoạt động cốt lõi của Sáng kiến này là phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận Tân Phú do Unilever Việt Nam phối hợp với công ty Môi trường Đô thị CITENCO thực hiện. Đây là hoạt động được khởi xướng và triển khai từ cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển bền vững.