Nằm trong hệ thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, hệ thống báo, tạp chí của Đảng do các tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo và quản lý gồm: Gồm báo Nhân dân, các báo Đảng địa phương của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Tạp chí các ban Đảng Trung ương. 

anh 10.jpg

Báo, tạp chí của Đảng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, cơ quan ngôn luận của Đảng, là diễn đàn của nhân dân, là đơn vị cấu thành của hệ thống báo chí cả nước. Báo Đảng có vai trò, chức năng, nhiệm vụ giống như các cơ quan báo chí trong cả nước, nhưng là phương tiện quan trọng nhất để hướng dẫn dư luận và chỉ đạo công tác của Đảng, Nhà nước và chính quyền ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

“Các cơ quan báo, tạp chí của Đảng hiện nay đã trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông chính sách. Nhiều cơ quan báo chí đã thực sự trở thành những diễn đàn quan trọng để nhân dân chia sẻ, nói lên ý kiến của mình trong các nội dung về chính sách. Qua hệ thống báo, tạp chí của Đảng, những ý kiến xây dựng tâm huyết từ nhân dân đã đến được với cấp ủy, giúp cho cấp ủy có cơ sở để điều chỉnh, đề ra nhiều chủ trương sát với tình hình thực tiễn. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc các tầng lớp nhân dân góp ý, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc, hay các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây là nguồn thông tin vô cùng quan trọng giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kịp thời tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện văn kiện trước khi trình Đại hội. Qua đó, nâng cao chất lượng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, làm cho nghị quyết thực sự xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với thực tiễn”, ông Nam khẳng định. 

“Truyền thông chính sách được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của các cơ quan báo, tạp chí của Đảng. Hệ thống các cơ quan báo, tạp chí của Đảng có nhiều ưu thế, thuận lợi so với các cơ quan báo chí khác trong thực hiện nhiệm vụ này”, ông Nam cho hay.

Làm rõ hơn nhận định nêu trên, ông Nam phân tích: Các báo, tạp chí của Đảng có thế mạnh bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân tại địa bàn, kịp thời phát hiện, biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, đồng thời phản ánh những băn khoăn, trăn trở, những vấn đề bức thiết đặt ra từ đời sống tại địa phương, đơn vị, góp phần hoàn thiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, các báo, tạp chí của Đảng có nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách của Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Đặc biệt, các báo, tạp chí của Đảng có đội ngũ cộng tác viên là những người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước, nên thông tin được truyền tải đến với công chúng một tin cậy, chính xác, rõ ràng và toàn diện. 

“Những yếu tố trên đây tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo, tạp chí của Đảng trong việc truyền thông chính sách. Nhưng ở một góc độ khác, đây cũng chính là những vấn đề đặt ra, những thách thức đối với công tác truyền thông chính sách của các cơ quan báo, tạp chí của Đảng”, Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo thẳng thắn nhìn nhận.

Với góc nhìn của người trong nghề, ông Nam đánh giá: Thông tin truyền thông trên các cơ quan báo, tạp chí của Đảng nói chung còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan; khó khăn trong mở rộng đối tượng bạn đọc trước sự cạnh tranh của mạng xã hội. 

Bên cạnh đó, thông tin trên báo Đảng trong nhiều trường hợp chậm do quy định nghiêm ngặt. Cách tổ chức tiếp cận nguồn tin, xử lý thông tin còn nặng về việc lệ thuộc nội dung văn bản nên thiếu tính sáng tạo, cách thể hiện thiếu hấp dẫn.

Trong bối cảnh mới, yêu cầu mới, Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo đề xuất các cơ quan báo, tạp chí của Đảng, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm. Đáng chú ý là: Tăng cường sự tham gia của các cơ quan báo chí trong việc khảo sát, thăm dò, lấy ý kiến để xây dựng và hoàn thiện chính sách, cũng như phản biện, sửa đổi chính sách; Các cơ quan báo, tạp chí của Đảng phải trở thành diễn đàn để thu hút, tập hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân để góp phần điều chỉnh, bổ sung, không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách, đáp ứng nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân.

“Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số của cơ quan báo Đảng, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động truyền thông chính sách. Các thông điệp truyền thông chính sách phải được thiết kế và truyền tải theo phương thức phù hợp, dựa trên cơ sở xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, hướng tới các mục tiêu cụ thể và vào các nhóm công chúng cụ thể… Hệ thống các cơ quan báo, tạp chí của Đảng phải “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” trong công tác truyền thông chính sách để nâng cao hiệu quả của công tác này, tạo sự thống nhất trong hành động, thúc đẩy sự phát triển trong toàn xã hội”, ông Nam khuyến nghị thêm.