Đó là lưu ý của bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ (Bộ Nội vụ) tại Hội nghị công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện diễn ra sáng 7/10.
Có xu hướng gia tăng thành lập các quỹ nhằm vụ lợi
Bà Hạnh cho biết tổng số quỹ tính đến tháng 12/2021 là 2.950 quỹ.
Trong đó số quỹ hoạt động phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh: 85 quỹ, riêng 6 năm 2021, Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ 8 quỹ; số quỹ hoạt động trong phạm vi tỉnh: 2.865 quỹ, riêng năm 2021, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ 12 quỹ.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ, các quỹ xã hội đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước trên nhiều phương diện như: Tham gia phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học công nghệ, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời góp phần ươm mầm đào tạo nhân lực, nhân tài cho đất nước, góp phần phát triển nền giáo dục của nước nhà.
Trong năm 2021 theo số liệu báo cáo của 58/85 quỹ xã hội, quỹ từ thiện có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh, tổng nguồn thu hơn 3.468 tỉ đồng; tổng khoản chi hơn 2.425 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng nêu một số tồn tại của các quỹ hiện nay như chưa thực hiện việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của quỹ theo quy định; chưa ban hành đầy đủ các quy chế, quy định trong nội bộ quỹ theo quy định điều lệ quỹ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và quy định của pháp luật.
Báo cáo định kỳ về tổ chức, hoạt động, tài chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa đảm bảo thời gian; có quỹ chưa thực hiện đăng ký mã số thuế, kê khai thuế theo quy định.
Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện huy động các nguồn lực tham gia ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nguồn tài chính của các quỹ còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Có quỹ hoạt chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình vận động, tiếp nhận tài trợ; có quỹ mâu thuẫn trong nội bộ, cá biệt còn lợi dụng tổ chức, hoạt động của quỹ nhằm mục đích có tính chất tư lợi.
Bà Hạnh cũng chỉ rõ thực tế hiện nay, có xu hướng gia tăng đề nghị thành lập các quỹ lấy tên là tên riêng của cá nhân, tổ chức có dấu nhằm mục đích vụ lợi hoặc sáng lập viên đề là người trong cùng gia đình đề nghị thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tuy nhiên, Nghị định số 93/2019 chưa quy định về vấn đề này.
Một số quỹ hoạt động chưa phù hợp theo tôn chỉ, mục đích của quỹ theo điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; còn có tình trạng quỹ mất đoàn kết trong nội bộ, đơn thư khiếu nại kéo dài; chưa có quy định cụ thể việc quỹ thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, tài sản của quỹ khi hội đồng quản lý quỹ hết nhiệm kỳ để đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch.
Thế lực thù địch thông qua tài trợ ảnh hưởng đến an ninh trật tự
Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ lưu ý, hoạt động của một số hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã bộc lộ không ít yếu tố phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh chính trị, rửa tiền, tài trợ khủng bố; còn có thế lực thù địch thông qua việc tài trợ cho hội, quỹ để có hoạt động nhằm mục đích ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội của nước ta.
Do đó cần thiết tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của hội, quỹ trong giai đoạn hiện nay.
Trong hàng loạt giải pháp thời gian tới, bà Hạnh có đề cập đến việc, tăng cường quản lý nhà nước về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời giám sát chặt chẽ về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, nắm bắt được tình hình hoạt động, quan hệ với các nguồn tài trợ, ngăn chặn sự lợi dụng, can thiệp, chi phối của các thế lực thù địch, khủng bố.
Việc tiếp nhận viện trợ nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài lợi dụng tài trợ để tác động, nhằm mục đích xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn của xã hội.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế, việc liên kết với các đối tác nước ngoài; việc tham gia thành viên các tổ chức quốc tế.
Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương quản lý tốt việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; việc tiếp nhận tài trợ, viện trợ; việc thành lập pháp nhân trực thuộc, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, đảm bảo an ninh trật tự đối với các hội, quỹ trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ đối với các hội, quỹ, đảm bảo các hội, quỹ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; đối với các hội, quỹ không thực hiện đúng Điều lệ và quy định của pháp luật thì áp dụng chế tài phù hợp, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì giải thể.
Tham luận của Ngân hàng Nhà nước về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động hội quỹ cũng nêu rõ, bên cạnh những lợi ích mà hội nhập quốc tế mang lại, xu hướng tội phạm quốc tế lợi dụng hội, quỹ vào rửa tiền, tài trợ khủng bố càng ngày càng gia tăng, làm xói mòn lòng tin của các nhà tài trợ và gây nguy hại cho tính chất chân chính của hoạt động hội, quỹ. Thực tế đó đã đặt ra những thách thức đối với cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng trong công tác phòng, chống tội phạm lạm dụng hội quỹ vào hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trong đó, bảo vệ khu vực hội, quỹ khỏi sự lạm dụng của những kẻ khủng bố vừa là một phần quan trọng của cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố vừa là một bước cần thiết để bảo tồn tính toàn vẹn của lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước đề xuất các cơ quan quản lý duy trì tiếp cận với các hội, quỹ được đánh giá là có mức độ rủi ro cao hơn đối với lạm dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố; áp dụng các biện pháp dựa trên mức độ rủi ro tương ứng của từng hội, quỹ và hợp tác phát triển các phương pháp tiên tiến hơn để giải quyết rủi ro tài trợ khủng bố trong bối cảnh của Việt Nam. Ngoài ra, cần hoàn thiện quy định pháp luật, bổ sung các chế tài xử phạt phù hợp đủ tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của hội, quỹ… |